Blog

Rốt cuộc thì “at the end of the day” bạn muốn gì?

Đặng Thanh Vân

Nhiều năm trước trong một lần trò chuyện, một người bạn đã thuyết phục tôi làm theo mô hình của cô ấy. Viễn cảnh và những giá trị tương lai mà cô mô tả rất hấp dẫn và có khả năng cao trở thành hiện thực. Không rõ vì sao tôi vẫn thấy hờ hững.

su menh ca nhan

Trong quá trình kinh doanh, công ty Thanhs do tôi sáng lập và điều hành từ năm 2000 đã tham gia nhiều hoạt động, thử thách “bản thân” trong nhiều mảng khác nhau của ngành quảng cáo và truyền thông. Chúng tôi đã từng sản xuất vật phẩm quảng cáo cho nhiều thương hiệu lớn như Coca-cola, Diana, Thủy Tạ, Beer Hà Nội, Bảo Việt… thi công biển tấm lớn; thiết kế thi công show-room và gian hàng triển lãm; xây dựng và tổ chức sự kiện lớn, thiết kế và in tài liệu quảng cáo, sách, bao bì, hộp thực phẩm với số lượng lên đến hàng chục ngàn sản phẩm/ mỗi đơn hàng… khảo sát và thi công biển quảng cáo cho toàn hệ thống của nhiều nhãn hàng rải từ Thái Nguyên đến Đà Nẵng… Có nhiều việc đã nhận và quyết tâm làm chỉ vì “người khác làm được thì mình phải làm được”. Thế nhưng bản thân tôi không thấy thỏa mãn với nghề. Nhân viên nhận xét là sếp không thực sự tập trung vào việc “chốt khách hàng”.

Cô bạn nói trên đã “chốt sales” với tôi bằng một câu hỏi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều “rốt cuộc thì at-the-end-of-the-day Vân muốn gì?”. Và cô ấy tự trả lời, ai cũng thích có đủ thu nhập để được tự do làm những gì mình muốn đúng không?

Trong đời mỗi người, nhất là những người trẻ, chắc cũng giống tôi, không ít lần bạn tự hỏi “rốt cuộc thì mình muốn gì? Và mình sẽ là ai sau 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa? Trong nỗ lực tìm kiếm những công việc đem lại thu nhập tốt và phù hợp sở thích, bạn sẽ băn khoăn “mình sẽ làm việc này đến khi nào”?

Quay trở về với câu hỏi của cô bạn. Tôi nhận ra lý do quan trọng nhất khiến mọi lời mời gọi đều không thuyết phục. Cũng nhận ra vì sao tôi chỉ thấy hạnh phúc khi làm công việc mà hiện nay đã trở thành lĩnh vực hoạt động duy nhất của Thanhs. Trong giấc mơ thiền đến chặng cuối cùng cuộc đời, tôi không muốn chỉ có những chuyến du lịch nước ngoài, hạnh phúc gia đình, tài khoản ngân hàng hơn 10 con số hay nhiều bất động sản. Thậm chí nếu phải đánh đổi tất cả, phải lựa chọn một trong hai, tôi cũng sẵn lòng.

Thế giới đã mở ra một không gian khác khi tôi tìm thấy sứ mệnh và tầm nhìn của đời mình.

Toyota Way

Toyota Way

Thương hiệu (doanh nghiệp) cũng trải qua quá trình tìm kiếm như vậy. Phần lớn các Founder tham gia vào ngành kinh doanh dựa trên những nền tảng sức mạnh cốt lõi hoặc chớp thời cơ và ra nhập khi tìm thấy “lỗ hổng thị trường”. Nếu có chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing đúng và hiệu quả, doanh nghiệp sẽ gặt hái thành công.

Tuy nhiên sẽ là may mắn nếu trong quá trình đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, Founder cũng như Bộ máy quản lý cấp cao có cùng nền tảng triết lý xuyên suốt, là kim chỉ nam mạnh mẽ để trở thành đầu tàu kéo theo toàn bộ các toa tàu phía sau. Ngược lại, một ngày đẹp trời nào đó các sáng lập viên và Hội đồng quản trị sẽ chia đàn sẻ nghé, đòi chia tài sản và/ hoặc chia tách công ty; nhân sự cấp cao sẽ nhìn xung quanh, so sánh thu nhập, chế độ đãi ngộ và tự hỏi “mình tham gia vào công ty này được lợi gì hơn công ty khác?”

Trong hai cuốn sách nổi tiếng Xây dựng để trường tồn và Từ tốt đến Vĩ đại, Jim Collins đã kết luận đại ý, để trở thành một tổ chức vĩ đại hãy tìm những người đồng hành cùng lên xe buýt trước khi quyết định sẽ đi đến đâu. Điều này không phải là nhận định chủ quan của tác giả mà là kết luận thực chứng khảo sát những công ty vĩ đại nhất thế giới.

Khi tham gia tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp tư nhân Việt đã trải qua qua chặng đường đi từ hai bàn tay trắng đến lúc trở thành một trong 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành kinh doanh; quy mô doanh nghiệp từ 30 người đến hơn ngàn người, kết luận trên của Jim Collins được các chủ doanh nghiệp rất tâm đắc và thừa nhận đúng.

Phân tích điều này để khẳng định rằng:

  1. Doanh nghiệp vẫn có thể phát triển trong một số năm đầu mà chẳng cần biết đến việc xây dựng sứ mệnh và tầm nhìn.
  2. Nếu không có sứ mệnh (trước đây thường được gọi là triết lý kinh doanh) thì doanh nghiệp khó đi nhanh và đi xa được. Đúng hơn là không thể “chạy đường dài”.
  3. Nếu có sứ mệnh và tầm nhìn đủ lớn, doanh nghiệp sẽ có công cụ hữu hiệu để “giữ chân người tài” và tạo nên chất keo gắn kết tổ chức; đem đến niềm tin và sự trung thành.
  4. Bất luận tầm nhìn thế nào, những người quản lý cấp cao có hệ giá trị giống nhau và sứ mệnh cá nhân tương đồng với nhau sẽ tạo thành một “ekip” mạnh mẽ. Việc cần làm của các chủ doanh nghiệp là tìm kiếm những người có cùng sứ mệnh, thay vì chỉ tập trung tìm “người tài”.

Những điều thú vị này đi kèm quy trình, cách xây dựng Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của thương hiệu cá nhân và tổ chức sẽ có trong sách.

Xem sách ở đây: http://on.fb.me/1kFTPwx

Đăng ký mua sách: http://denho.info/d8n

Tác giả

Đặng Thanh Vân

Bình luận