Sunday Coffee #14: Anh Đức Sơn – chuyện đời và chuyện nghề của người làm thương hiệu

Sáng chủ nhật ngày 10/08/2015 đã diễn ra buổi Sunday Coffee thứ 14 của CLB Truyền thông và Tiếp thị Việt Nam VMCC. Tại không gian Toong số 8 Tràng Thi, anh Nguyễn Đức Sơn – giám đốc chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates chia sẻ về bước đường sự nghiệp và những trăn trở trong nghề của mình.

Anh Đức Sơn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành marketing tại ĐH Sydney, Úc. Trải qua vị trí cấp cao công ty bia VBL, sau đó là công ty nghiên cứu thị trường Indochina Research, anh Sơn đã có những trải nghiệm trong nghề từ phía client đến agency. Nhờ vậy mà anh đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú về quản trị kinh doanh lẫn nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, thương hiệu luôn là đam mê và đích đến cho mọi nỗ lực anh theo đuổi.

11870884_815939638524089_7625804427755523724_n

Quan điểm sống và làm: Tình cảm, tận tâm nhưng phải có nguyên tắc

Chia sẻ về những quan điểm cá nhân trong công việc, anh Sơn cho rằng: dù làm việc với khách hàng nào, mình có thể mềm dẻo trong tiếp, nhưng phải cứng rắn về chuyên môn. Phải có lập trường rõ ràng, không phải đi theo khách hàng mọi lúc. Bởi đôi khi, khách hàng chưa chắc hiểu được vấn đề. Tố chất quan trọng của một người làm tư vấn là khả năng đọc vị khách hàng. Ngoài ra phải nắm bắt được vấn đề của thương hiệu một cách nhanh chóng ngay trong lần trao đổi đầu tiên. Tuy vậy cũng không nên cứng nhăc, bảo thủ. Người làm thương hiệu cần thu thập góc nhìn phản biện từ nhiều nguồn. Nhưng cần có hệ quy chiếu chuẩn cho bản thân, để có phương pháp luận sắc bén. “Giải pháp không quan trọng bằng cách thức biện luận cho giải pháp”, anh Sơn khẳng định.

11817160_815939748524078_4484633727805034093_n

Nhiều năm làm trong agency, anh Sơn có cho mình những nguyên tắc ứng xử riêng. Đó là đối xử với khách hàng luôn nhẹ nhàng, tôn trọng, đề cao sự tận tâm. Có thể chấp nhận khách hàng khó tính về chuyên môn, nhưng với khách hàng thiếu tôn trọng thì quyết không làm. Tuy nhiên cần có khả năng nhìn nhận tình huống hợp lí. Anh đã gặp những trường hợp bị khách hàng làm khó, nhưng sau cùng vẫn hoàn thành tốt công việc. “Trong mọi trường hợp, bạn phải tự tin vào giá trị bạn mang tới. Dừng phụ thuộc vào thái độ của người đối diện. Bởi mỗi người một phong cách. Miễn là phong cách không vượt quá chuẩn mực về giao tiếp. Sự từ bỏ ở đây tùy vào việc khách hàng có hiểu được giá trị mình đưa ra hay không.”

Không chỉ thành đạt trong sự nghiệp, anh Sơn còn là người có khả năng cân bằng tốt giữa công việc,  gia đình và sở thích cá nhân.Chia sẻ về quan niệm sống, anh Sơn cho rằng: hãy làm việc mình yêu thích và việc mình có năng khiếu.  Đề ra mục tiêu mong muốn, sau đó tập trung và nhất quán hành động. Trong nhiều mục tiêu, có một điều ưu tiên và tập trung dài hạn hết mình vào ưu tiên đó. “Mình thích nó thì mình phải làm nó. Cái gì mình không thích,  không vui thì mình không làm.” Anh Sơn chia sẻ về triết lí sống của mình.

11828587_815939631857423_7703221131920266081_n

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Bán hàng trước hay xây dựng thương hiệu trước?

Đây là một trong vấn đề thương hiệu nổi bật nhất được anh Sơn nhấn mạnh chia sẻ. Với những doanh nghiệp  hay start-up có số vốn nhỏ,  tiền làm thương hiệu là  vấn đề nan giải. Trong ngắn hạn, hững doanh nghiệp này cần bán được hàng để có tiền trang trải cho chi phí và tồn tại. Khi ấy, làm thương hiệu vẫn chưa phải vấn đề thực sự cấp bách.

Đặt ở khía cạnh ngược lại,  việc bán hàng trước làm thương hiệu sau cũng đem lại không ít trở ngại trong dài hạn. M-Store là chuỗi cửa hàng thời trang tại Hà Nội. Ban đầu chủ M-Store khá thành công với 3 cửa hàng kinh doanh phát đạt, doanh số tốt. Thế nhưng khi phát triển lên, muốn mở rộng chuỗi, M-Store lại gặp rất nhiều vấn đề về thương hiệu. Khi thiết kế cửa hiệu, bảng biển, bài trí, mỗi lần thử nghiệm nếu nhận được phản hồi không tốt lại phá đi làm lại. Không chỉ phá đi làm lại ở một cửa hàng mà nhân rộng ra cả chuỗi. Chi phí rất tốn kém mà không hiệu quả. Trường hợp khác của một thành viên VMCC, anh Giang, CEO Pandabook lại là vấn đề về định vị. Nếu trên thị trường, Alphabook định vị tập trung vào sách quản trị kinh doanh, First News chuyên về sách self-help, còn Nhã Nam là truyện dịch hàng đầu… thì Pandabook lại không định vị được mình tập trung vào thể loại sách nào. Đây chính là hậu quả do không làm thương hiệu bài bản từ đầu.

Việc làm thương hiệu trước hay bán hàng trước  phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh doanh nghiệp. Nhưng làm thương hiệu bài bản từ ban đầu luôn có những lợi ích về dài hạn.  Anh Sơn cho rằng, để xây dựng thương hiệu, không nhất thiết phải thuê nguồn lực ngoài làm đã là bài bản.  Người chủ cần có một ý tưởng rõ ràng về thương hiệu mình triển khai, để từ đó đồng nhất từ cách bài trí đến xây dựng hình ảnh truyền thông. Người chủ cần hiểu rõ mình muốn gì, thương hiệu của mình đang gặp vấn đề gì. Các phương tiện, kĩ thuật… là công cụ để giải quyết, và sẽ chẳng là gì nếu như công cụ không bám sát vào vấn đề hiện tại thương hiệu.
11822420_815940495190670_794852618304204103_n

Sunday Coffee thứ 14 của VMCC với buổi chia sẻ của anh Nguyễn Đức Sơn  đã diễn ra trong không khí tràn đầy hứng khởi.  Không chỉ là kinh nghiệm làm thương hiệu, mà còn là phút trải lòng về sự nghiệp đầy cảm xúc từ một người làm thương hiệu. VMCC xin chân thành cảm ơn Toong đã hỗ trợ không gian sự kiện, cùng anh Nguyễn Đức Sơn và tất cả các thành viên khác đã tới tham gia!
Ngọc Khánh

Bình luận