Blog

10 XU HƯỚNG TRUYỀN THÔNG TIẾP THỊ NĂM 2015 Ở VIỆT NAM

Nguyễn Thanh Sơn

1. Truyền thông truyền thống tiếp tục ngắc ngoải và sẽ rất nhanh chóng bị đào thải: rất nhiều công ty quảng cáo, quan hệ công chúng, đặt chỗ quảng cáo, tổ chức sự kiện than thở là thị trường khó khăn. Ngược lại là khác, thị trường đang rất “màu mỡ”, chỉ có điều không phát triển ở những dịch vụ truyền thống mà bao năm qua không một chút gì thay đổi. Những công ty truyền thông truyền thống sẽ thấy thị phần và doanh thu của họ bỗng nhiên bốc hơi sang các công ty truyền thông 2.0

2.Khách hàng sẽ càng ngày càng ít chi tiền cho các chương trình “truyền thông vì truyền thông”: Hiệu quả, hiệu quả và hiệu quả-các nhãn hàng sẽ tiếp tục bị áp lực chứng minh hiệu quả của các chương trình truyền thông thông qua tăng trưởng doanh số. Cho nên, đừng chờ đợi những chương trình truyền thông “hoành tráng” trong năm 2015, thay vào đó là các chương trình truyền thông “thông minh”.

3. Khách hàng có xu hướng “gom về một mối” để tiết kiệm thời gian và chi phí, cho nên những công ty đứng đơn lẻ sẽ phải chịu cạnh tranh lớn hơn từ những nhóm công ty cung cấp dịch vụ truyền thông tổng diện từ nghiên cứu, hoạch định chiến lược, lên kế hoạch và cung cấp các dịch vụ truyền thông tổng diện như quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông số, truyền thông xã hội, mobile…

4. “Lắng nghe” tiếp tục “nóng” với việc sử dụng social listening, khai thác “dữ liệu lớn”, định vị vị trí…và sẽ đe dọa nghiêm trọng các công ty nghiên cứu thị trường truyền thống. Hiểu biết về khách hàng và phân khúc khách hàng chưa đủ mà còn phải nắm được dữ liệu chính xác về từng khách hàng trong phân khúc đó

5. Truyền thông xã hội sẽ tập trung vào chiều sâu, trong đó xu hướng mạnh nhất là “chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội”, “tiếp thị trực tiếp trên mạng xã hội”

6. Các công ty tiếp thị nội dung sẽ thách thức tất cả các công ty truyền thông theo kiểu cũ: quảng cáo, quan hệ công chúng, thậm chí cả digital…Xu hướng cho nội dung sẽ vẫn là nội dung thời gian thực với đa dạng hóa về kênh, trong đó chủ yếu là video nhưng sẽ bắt đầu lan sang âm thanh và âm nhạc

7. Tiếp thị trực tiếp, tiếp thị tại điểm bán, hoạt động kích hoạt…cũng sẽ “nóng” trở lại do yêu cầu về tăng bán hàng

8. Các dịch vụ SOLOMO (Social, Location-based, Mobile) sẽ bắt đầu có những thử nghiệm hội tụ đầu tiên (trước đây chủ yếu hoạt động riêng rẽ)

9. Nhu cầu đào tạo về truyền thông tiếp thị 2.0 sẽ tiếp tục tăng cao khi “nhà nhà người người” thử nghiệm những công cụ mới

10. Năm trước của đại hội mọi người nhá. Tha hồ mà khủng hoảng truyền thông và quản trị khủng hoảng truyền thông

Một câu thôi, tha hồ là việc, chỉ sợ không có sức làm.

Tác giả

Nguyễn Thanh Sơn

Bình luận