Blog
Bài viết này không nhằm mục đích ăn theo vụ Công Phượng và Chuyển động 24h, và cũng không định đụng chạm với quyền lực truyền thông. Chỉ đơn giản là các bạn yêu PR và nghề xử lý khủng hoảng đề nghị trao đổi thuần tuý dưới góc độ chuyên môn.
VTV đang đối diện với một cuộc khủng hoảng truyền thông có thật. Điều này đã rõ. Vấn đề là họ cần (nên) giải quyết như thế nào? Tôi biết thừa chẳng bao giờ VTV thuê tôi xử lý vụ này cả, cho nên, cứ nêu quan điểm cá nhân lên đây, nếu được sử dụng thì cũng là điều vinh hạnh, bằng không thì cũng coi như ném đá ao bèo.
Hãy bắt đầu từ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Chương trình Chuyển động 24h trên VTV1 tung ra 4 phóng sự nghi vấn tuổi thật của cầu thủ bóng đá U19 Công Phượng. Chuyện đã chẳng có gì là ầm ĩ, bởi chức năng tự nhiên của báo chí là đi tìm và phơi bày sự thật. Nhưng những người làm chương trình này đã đụng chạm đến 4 vấn đề cốt lõi nhạy cảm.
Một là, phương thức “điều tra hình sự” mà họ đưa tin, thái độ hiếu chiến và ngôn ngữ kẻ cả của phóng viên trong các phóng sự và MC dẫn chương trình đã tạo ra một phản ứng quyết liệt của cư dân mạng xã hội, những người đặt niềm tin và tình yêu vào cầu thủ Công Phượng. Đặc biệt, trong bối cảnh người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vốn đang hoàn toàn thất vọng và mất niềm tin vào bóng đá, đang lấy lại hưng phấn với lứa cầu thủ trẻ, mà biểu tượng là cầu thủ xứ Nghệ. Một nhà báo Pháp luật TP.HCM được trích dẫn trên Facebook rằng, “Mình cho rằng dư luận phản đối các bạn không phải vì thông tin mà các bạn đã chuyển tải. Dư luận phản ứng vì sự sắc lạnh, sự hằn học mà họ cảm thấy trong cách đưa tin của các bạn. Một bộ phận công chúng cảm thấy thái độ truy sát lớn hơn sự quyết liệt vì công lý! Mình và các nhà báo khác cũng rút được ít nhiều kinh nghiệm từ chuyện đó. Rằng thái độ và cách thức đưa tin cũng quan trọng như nội dung của tin tức!”.
Hai là, kịch bản của Chuyển động 24h, cùng với những gì họ thể hiện trên Facebook cho thấy mục tiêu tối thượng của toàn bộ chiến dịch “Công Phượng”này là nhằm tăng rating chương trình. Điều này khiến cho công chúng nghi ngờ vào tính khách quan và thiện chí của họ, khác với những bình luận nhân văn của họ trong những số đầu. Trong kinh doanh hay đánh trận, lộ chiến lược là điều nguy hiểm, và thường là đánh mất vị thế chủ động. Không phải lúc nào chơi bài ngửa, kiểu chiêu “mở cổng thành nghênh địch” của Khổng Minh cũng là khôn ngoan. Thực tế là, vẫn có rất nhiều người tin rằng Chuyển động 24h đang nắm trong tay “sự thật” về tuổi Công Phượng, nhưng hoàn toàn không thích cái cách mà nhà đài lợi dụng vụ việc này để tăng view, càng không thích cái cách mà VTV1 đang biến hình từ một kênh báo chí chính thống, nghiêm ngắn, sang hình thức một kênh tin tức giải trí kiểu lá cải.
Có một ranh giới mong manh giữa việc “đi tìm sự thật đến cùng” vi việc moi móc “sự thật” để vụ lợi. Đó cũng là ranh giới mong manh giữa báo chí chính trực và nhân văn với báo chí lá cải câu khách rẻ tiền.
Ba là, mặc dù nhiệm vụ (và cả quyền hạn) của báo chí là tìm hiểu, đi đến cùng sự thật, nhưng cũng có một nguyên tắc nhân văn của báo chí là phải biết chọn lựa cái sự thật nào để đăng, để không làm tổn hại và tác động xấu đến xã hội. Chuyển động 24h quên mất điều này. Có những thứ gọi là “sự thật”, nhưng cứ đăng mãi sẽ làm huỷ hoại một cuộc đời, một con người, và cao hơn nữa là huỷ hoại một phần xã hội. Chúng ta đã từng lên án những bài báo tiếp tục soi mói đời tư của những người từng có thời lầm lỗi, đã trả giá và đang cố gắng hoàn lương. Chúng ta cũng từng lên án những người cố công đi tìm một sự thật trong dĩ vãng, để rồi từ chỗ đang tận hưởng một cuộc sống thanh thản, thì lại chuốc lấy hận thù và đau khổ. Những “sự thật” ấy không cần cho ai cả. Một facebooker cũng nói đại ý thế này: viết báo phải phân biệt được giữa cái “đúng” và cái “đáng”. Rất nhiều điều là “đúng”, nhưng lại hoàn toàn không “đáng” nói ra.
Bốn là, những phán xét kiểu “chụp mũ” của Chuyển động 24h rất có thể sai lầm. Khoan hãy quan tâm đến việc thực sự Công Phượng 19 hay 21 tuổi, mà hãy tạm chấp nhận rằng có thể những bằng chứng của họ là đúng. Nhưng VTV quên mất rằng động cơ của những “sai trái” trong hồ sơ mới là điều quan trọng, chứ không phải là “sự thật” về những sai trái đó. Giả như hồ sơ của cậu bé này bị làm lại sai với sự thật thì có ai trục lợi trong việc này không? Sai sót đó là vô tình hay cố ý? Nếu thời điểm sửa hồ sơ (nếu có) là lúc cậu ấy còn quá bé, thì không thể có bất cứ động cơ gian trá nào trong việc này, mà chỉ có thể quy cho sự thiếu chuyên nghiệp của cơ quan chức năng hoặc sự bất cẩn của người liên quan. Một bộ phận khá lớn những facebooker trên mạng cũng vội vã gán cái tội “gian lận” cho Công Phượng và ám chỉ một số đơn vị liên quan là sự vội vã đáng tiếc.
Thông thường, chức năng của báo chí là report, là tường thuật lại chân thực những facts and figures, chứ không áp đặt sự phán xử. Họ có thể chi phối sự phán xét bằng facts and figures chứ không trực tiếp đưa ra nhận định chủ quan – trừ các bài bình luận, thường được các cơ quan báo chí (quốc tế) ghi rõ là quan điểm của tác giả. Quyền phán xét thuộc về cơ quan tư pháp và công luận.
Diễn tiến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này là gì? Để trả lời cho câu hỏi Công Phượng thực ra bao nhiêu tuổi cần phải do cơ quan có thẩm quyền và nghiệp vụ trả lời. Có 3 khả năng kết luận:
Một là, cậu bé này thực sự sinh năm 1995. Với khả năng này, không còn gì để nói, vì Chuyển động 24h sai hoàn toàn. Khủng hoảng sẽ bị đẩy đến đỉnh điểm.
Hai là, cậu bé này thực ra sinh năm 1993, nhưng việc hồ sơ bị sửa sai thành 1995 hoàn toàn do khách quan, do sự bất cẩn của cha mẹ hoặc thậm chí sự tắc trách của địa phương, và các đơn vị liên quan chẳng hề có dính líu gì đến vụ này. Nếu thế, Chuyển động 24h vẫn sai, vẫn phải xin lỗi Công Phượng vì đã đẩy cậu bé và gia đình vào thảm cảnh tâm lý.
Ba là, có thể việc khai man hồ sơ là có thật, và Công Phượng trực tiếp hoặc gián tiếp đồng loã với việc này. Ngay cả như vậy, cậu ấy chỉ đáng trách một phần. Chuyển động 24h vẫn phải thay đổi cách nhìn, cách làm, và chuyển hướng mục tiêu công kích. Họ vẫn phải thay đổi thái độ, có cái nhìn vị tha và cảm thông với Công Phượng, và vẫn phải xin lỗi cậu ấy vì thái độ quá đà trong thời gian qua.
Nếu phân tích kỹ như vậy, có thể đã nhận ra giải pháp xử lý khủng hoảng rồi. Chủ thể của cuộc khủng hoảng này không phải Chuyển động 24h, mà là VTV. Và VTV mới là người phải suy nghĩ về phương pháp giải bài toán này.
Mục đích của xử lý khủng hoảng là bảo vệ uy tín của VTV. Uy tín đó là tính chính thống, khách quan và là biểu tượng của hệ thống truyền thông quốc gia, là tiếng nói của chính phủ. VTV buộc phải đập tan nghi ngờ rằng họ đang bị lợi dụng cho những mục đích không trong sáng của một nhóm lợi ích nào đó.
Giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông bao giờ cũng phải gắn kết với các giải pháp xử lý bản thân cuộc khủng hoảng đó, xử lý cái nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng. Và không gì hơn là một thái độ chân thành, thừa nhận những gì sai, và chuyển hướng sang cách làm đúng.
Bản thân tôi cũng từng có khủng hoảng, và nó xảy ra với đúng một trong những cơ quan truyền thông mà tôi đại diện là tạp chí Đẹp. Website của Đẹp đã từng đăng một thông tin vội vã bằng hình ảnh, khiến cho người đọc lầm tưởng chanh Trung Quốc cũng có màu xanh như chanh Việt Nam, gây hiểu lầm và tiềm tàng nguy cơ tác động tiêu cực đến người trồng chanh Việt Nam. Thay vì gỡ bài như mọi người vẫn làm, chúng tôi đăng một thông báo xin lỗi chèn lên đường link, và mời bạn đọc trở lại đọc bài này khi chúng tôi đủ thông tin cải chính. Đẹp đã làm một bài điều tra nghiêm túc, sửa sai, và đăng lại vào đúng chỗ bài cũ, kèm theo một lời xin lỗi chân thành và kêu gọi các báo bạn cùng đính chính lại thông tin đó.
Có lẽ, ngay lúc này, chưa cần phải có những kết luận cụ thể của cơ quan hữu trách, VTV nên làm một động thái chân thành như thế, và chuẩn bị hành động cho 3 trường hợp xảy ra.
Với giả thuyết thứ 3 (mà với những bằng chứng và nhận định của cơ quan chức năng hiện nay là khó xảy ra), thì VTV vẫn phải thay nhóm điều tra bằng những người có nghiệp vụ tốt hơn, có tâm hơn và hành xử tốt hơn.
Với hai giả thuyết còn lại, chỉ có một cách hữu hiệu nhất, là “cho nổ cầu chì” – giống như khi một cỗ máy có nguy cơ bị hỏng hóc nghiêm trọng. Có thể bạn đọc không hiểu “cho nổ cầu chì” là gì, nhưng ở Elite PR School, chúng tôi gọi“cho nổ cầu chì” là xử lý một cá nhân có trách nhiệm gây ra khủng hoảng.
Tất nhiên, đừng nghĩ rằng tìm ra “một cậu đánh máy” là đủ!
Mr. LÊ QUỐC VINH
(Chủ tịch & Tổng Giám đốc, Tập đoàn Truyền thông Lê)