Blog

NHIỀU THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ BÁN MÌNH THÀNH CÔNG

Nguyễn Đức Sơn

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược thương hiệu,Richard Moore Associaties (RMA) chia sẻ với phóng viên bên lề Hội thảo về đánh giá giá trị thương hiệu, do RMA phối hợp cùng Le Bros và Nielsen Việt Nam tổ chức sáng nay 26/11 tại TP.HCM.

 

1

2

(Nguồn ảnh: Vietstock)

Ông có đánh giá gì về sự cạnh tranh của thương hiệu ngoại và nội khi Việt Nam gia nhập các “sân chơi” lớn?

Thực ra  cạnh tranh không phải  sắp tới mà đã và đang diễn ra. Vấn đề cạnh tranh giữa thương hiệu nội với thương hiệu ngoại không chỉ diễn ra ở những lĩnh vực hữu hình như phân phối, chất lượng mà còn  về  hình ảnh thương hiệu.

Người Việt thích  “sính ngoại” bởi từ này nói lên nhiều điều. Họ thích một thương hiệu ngoại nào đấy nhiều khi không rõ lý do.  Đơn giản vì đấy là một thương hiệu ngoại – một bảo chứng cho niềm tin.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam tốt nhất là xây dựng một cách bài bản ngay từ đầu. Đừng để vấp ngã và làm sai từ những bước cơ bản đầu tiên. Không nên chạy theo xu thế nhất thời và bắt chước máy móc. Truyền thông gây sốc không mang lại giá trị về mặt lâu dài mà chỉ tác dụng trong ngắn hạn mà thôi.

Nhận định của ông về xu thế mua bán và sáp nhập thương hiệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước?

Hầu hết các thương hiệu tên tuổi tại Việt Nam bắt đầu bán hết rồi. Có thể kể đến như Phở 24 bán cho Jolibee, Diana bán cho Unicharm  hay thương hiệu gạch mới nổi được vài năm Prime bán cho SCG – một tập đoàn xây dựng  của Thái Lan.

Tại sao các thương hiệu ngoại chọn con đường M&A? Vì đấy là con đường ngắn nhất để mở rộng thị trường ở một thị trường mới. Họ chọn những thương hiệu đã thành công tại thị trường bản địa, những thương hiệu thành công, dẫn đầu trong một ngành nghề nào đấy.

Ông có thể chia sẻ vài trường hợp mà Richard Moore Associaties đã tham gia xây dựng nhận diện thương hiệu?

Với 20 năm có mặt tại Việt nam, RMA đã tư vấn chiến lược xây dựng thương hiệu cho khá nhiều thương hiệu ở nhiều ngành nghề khác nhau. Một trong nhưng thương hiệu đã rất thành công là Vietjet Air (VJA). Gần đây  những hình ảnh  quảng cáo người mẫu của VJA gây những ý kiến trái chiều. Hoạt động truyền thông này của họ nhất quán với chiến lược định vị chứ không phải làm một cách tùy hứng. Ngay từ khi ra đời Vietjet Air đã định vị họ là thương hiệu hàng không giá rẻ có hình ảnh trẻ trung, sôi động.

Do vậy từ khi ra mắt, tất cả hoạt động truyền thông của Vietjet Air rất nhất quán, tạo sự khác biệt về mặt cảm xúc chứ không nói nhiều về những ưu thế về chỗ ngồi, số lượng máy bay quá nhiều. Bởi khi đã định vị trong này nếu nói nhiều sự khác biệt về chỗ ngồi sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Do đó họ chọn sự khác biệt về mặt hình ảnh, khác hẳn với các hãng hàng không giá rẻ như Air Asia hay trực tiếp là Jetstar Pacific.

Trong ngành ngân hàng chúng tôi cũng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam cho Vietinbank năm 2007. Sau đấy khoảng 90% ngân hàng theo xu thế bộ nhận diện mới của ngân hàng này. Ngoài ra chúng tôi cũng xây dựng nhận diện thương hiệu cho DongA Bank và gần đây nhất là PVCombank.

Thương hiệu không hẳn là logo đẹp, hoành tránh mà nội lực bên trong doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều sau khi được xây dựng dẫn dắt bởi một chiến lược thương hiệu lâu dài, đi vào sự khác biệt về hình ảnh.

Theo ông khi hội nhập, thách thức lớn nhất với thương hiệu Việt nếu “đem chuông đi đánh xứ người” là gì?

Họ có nhiều vấn đề phải đối mặt, với thị trường mới, nhu cầu mới, đặt biệt là môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Ở đấy các thương hiệu đã có nhiều thương hiệu nước ngoài đã rất mạnh rồi.

Do vậy thương hiệu Việt khi ra nước ngoài, đầu tiên chúng ta hãy dựa vào lợi thế cạnh tranh, tìm ra những điểm khác biệt thương hiệu của Việt Nam có thế mạnh và tập trung vào điểm khác biệt đấy. Giống như đi đánh trận thì cần phải biết mặt trận ấy cần và thiếu gì. Ông David Ogilvy đã nói rằng làm quảng cáo mà không nghiên cứu thị trường giống như một vị tướng dẫn quân ra chiến trường nhưng không biết sẽ đánh nhau với ai. Đầu tiên thương hiệu  cần có một định vị đúng, tìm điểm khác biệt để dụ khách hàng móc tiền ra. Định vị ấy có thể đang thành công trong nước hoặc cũng có thể là một định vị khác mới cho một thị trường khác mới.

Và vấn đề đầu tiên thương hiệu Việt ra nước ngoài không hẳn là quảng cáo như thế nào, phân phối ra làm sao mà đó là giá trị mới mang lại cho thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp sẽ đến.

(Theo Cafebiz)

 

 

Tác giả

Nguyễn Đức Sơn

Bình luận