Blog

VMCC TÁO MARCOM 2023: NHÌN LẠI ĐỂ BƯỚC TIẾP

Administrator

Ngày 20/1/2023, tại Hà Nội, đại hội Táo MarCom 2023 do Câu lạc bộ Tiếp thị và truyền thông Việt Nam (VMCC) tổ chức đã thu hút hơn 500 người làm tiếp thị, truyền thông chuyên nghiệp và các chủ doanh nghiệp tham gia.  Với chủ đề “The way of marcom”, sự kiện đã giúp người tham dự nhìn lại dòng chảy 12 năm phát triển của marcom Việt và hướng đến tương lai với những đúc kết và gợi mở tri thức nhiều giá trị. 

Quy tụ 10 chuyên gia và nhà thực hành marcom hàng đầu Việt Nam, trải qua 5 bài chia sẻ và 1 phiên thảo luận sâu, Táo MarCom 2023 đã khái quát lại những đặc điểm nổi bật của một giai đoạn phát triển bùng nổ của marcom Việt đồng thời đặt ra những vấn đề nóng hổi, thiết thực của công tác tiếp thị, truyền thông trong bối cảnh mới, khi mà sự thay đổi diễn ra càng ngày càng nhanh và các công nghệ mới được ra đời với tốc độ chóng mặt. 

Đại hội Marcom Việt Nam lần thứ 4 - Táo MarCom 2023 

Đại hội Marcom Việt Nam lần thứ 4 – Táo MarCom 2023 

Một vòng con giáp MarCom Việt (2011 – 2023)

Đầu thập niên 2010 là thời điểm đánh dấu thập kỷ bùng nổ của online, digital với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng, sự hỗ trợ diệu kỳ của công nghệ kết nối, khoảng cách về kiến thức, kỹ thuật marcom bài bản chuẩn quốc tế của người Việt được thu hẹp nhanh chóng.

Không những thế, hơn một thập kỷ cũng là quãng thời gian ứng dụng, thử nghiệm, trải nghiệm đủ dài để giới marcom Việt bắt đầu chuyển sang giai đoạn hình thành nên những thứ có thể gọi là công thức, mô hình, trường phái của riêng mình. Tuy chưa có được những lý thuyết mang tính phổ biến và có tầm ảnh hưởng quốc tế nhưng chúng ta đã chứng minh được tính hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh.

Tất cả các vị diễn giả của Táo Marcom 2023 đều thừa nhận với nhau rằng, 12 năm đã qua là thời kỳ vàng của marcom Việt. Đó là quãng thời gian ngành này có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Từ số người lao động trong ngành đến số học sinh đăng ký thi đại học vào các ngành, khoa liên quan; từ sự ra đời của các ngành, khoa, chương trình hợp tác đào tạo quốc tế đến sự phong phú của các chương trình học bổng, các học viện tư nhân về marcom; từ nhu cầu tuyển dụng nhân sự, mức lương cho các vị trí nhân sự và ngân sách hoạt động hàng năm cho marcom; từ các doanh nghiệp chỉ biết sản xuất và bán hàng đến các doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào giá trị thương hiệu và kinh doanh dựa trên khoa học tiếp thị… Tất cả đều gia tăng nhanh chóng và cho thấy tác động to lớn của marcom đến sự phát triển chung của kinh tế – xã hội Việt Nam.

“VMCC – cộng đồng tiên phong về marketing & truyền thông cũng ra đời trong giai đoạn này nhờ sự kết nối của Facebook nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về học tập, giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày đó của giới marcom Việt. Sau 12 năm hình thành và phát triển, với gần 70.000 thành viên, hơn 100 sự kiện chính thức được tổ chức, 7 loại (format) hoạt động được ra đời và duy trì ổn định (bao gồm: Sunday Coffee, Talk to Advisor, Du xuân Marcom, Marcom Chat, Marcom Talk, Marcom Night, Marcom Outing, Táo Marcom), chỉ riêng VMCC đã cho thấy sự đông đảo và năng động của cộng đồng những người làm tiếp thị và truyền thông tại Việt Nam.” – Ông Tuấn Hà, Chủ tịch VMCC chia sẻ.

Ông Tuấn Hà, Chủ tịch VMCCÔng Tuấn Hà, Chủ tịch VMCC

12 năm hình thành và phát triển VMCC cũng tương ứng là giai đoạn 12 năm marcom Việt tiếp cận, học hỏi, hội nhập, tiếp biến các tri thức marcom thế giới để sáng tạo ra những cách thức chinh phục thị trường, người tiêu dùng của mình. 12 năm đó đã hình thành cho chúng ta một lực lượng lao động chuyên biệt, đóng góp lớn vào sự ra đời và lớn mạnh của nhiều thương hiệu cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Những người làm marcom Việt một mặt nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng các lý thuyết, mô hình chiến lược, sáng tạo của thế giới, một mặt tự mình đúc kết, suy nghiệm từ thực tế để có con đường đi của riêng mình, thậm chí có những người, có những tổ chức đã tạo ra được “đạo” của mình. “Way” trong tiếng Anh có nghĩa là con đường, hành trình, tiến trình, dòng chảy. “Way” cũng có nghĩa là phương pháp, cách thức, mô hình… và “way” cũng có thể coi là đạo. VMCC lấy chủ đề “The Way of MarCom” cho sự kiện Táo MarCom 2023 cũng là với ý nghĩa này.

Con đường phía trước của MarCom Việt: Cơ hội và thách thức

Do đặc thù của lịch sử dân tộc và lịch sử phát triển nền kinh tế, ngành marcom Việt Nam ra đời rất muộn so với thế giới. Phải tính từ mốc 1995 khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ trở lại với Hoa Kỳ kéo theo việc các tập đoàn, nhãn hàng từ siêu cường kinh tế này vào nước ta mang theo những kiến thức, mô hình quản trị kinh doanh, quản trị marketing hiện đại thì chúng ta mới có bước hội nhập đầu tiên với marcom thế giới. Tuy thế, với bản tính hiếu học, chăm chỉ và nhanh nhạy, chúng ta đã tiếp thu rất nhanh các tri thức marcom của thế giới để đưa vào hoạt động kinh doanh thực tiễn của mình. 

Dù là những người làm trong các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh hay các doanh nghiệp quốc nội, đội ngũ marketer của Việt Nam cũng đều cho thấy sức học, sức làm và sức sáng tạo mạnh mẽ. Thế hệ marketer 6x, 7x ngày đó sau này nhiều người đã tiến lên các vị phí CEO hoặc phó tổng giám đốc, phó chủ tịch phụ trách marketing của những thương hiệu lớn. Tiếp ngay sau đó, lực lượng marketer và những người làm truyền thông 8x, 9x còn gia tăng số lượng nhiều hơn thế hệ trước gấp nhiều lần.

Lúc này với sự bùng nổ của online, digital, thương mại điện tử; sự ra đời của các hội nhóm, cộng đồng và các kênh kết nối, giới marcom thực sự đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng của nền kinh tế. Họ chính là những người đã kế thừa được những gì bài bản của thế hệ trước và làm phong phúc hơn, khai phá sâu hơn các lý thuyết kinh điển học được từ thế giới. Họ cũng là những người có sự cập nhật xu hướng, kiến tạo xu hướng rất nhanh nhạy để mang đến những đổi mới lớn cho doanh nghiệp và thương hiệu Việt hơn một thập kỷ qua.

Giờ đây, đứng trước một giai đoạn mới, trong một thế giới hậu Covid-19, một thế giới mà người ta khái quát đặc điểm của nó là VUCA (Volatility – Biến động, Uncertainty – Không chắc chắn, Complexity – Phức tạp, Ambiguity – Mơ hồ), và những công nghệ mới thì có tốc độ ra đời, phát triển nhanh hơn cả tưởng tượng của con người, ngành marcom có nhiều cơ hội để bứt phá nhưng cũng sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Vậy những nhà lãnh đạo, quản lý và thực hành marcom thế hệ 8x, 9x và những bạn trẻ gen Z sẽ thích ứng, tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách thế nào?

Táo MarCom 2023 qua 5 bài chia sẻ và 1 phiên thảo luận cũng đã dành nhiều sự quan tâm phân tích, dự báo và đưa ra những gợi ý cho vấn đề này. 

Phiên thảo luận sâu 

Phiên thảo luận sâu 

Nhìn nhận về sự thay đổi và cách thức tiếp cận với sự thay đổi, các Táo (các diễn giả) đều cùng quan điểm rằng, thay đổi là bản chất của cuộc sống và là tất yếu của thế giới ngày nay. Táo Thương mại và phân phối Phạm Vũ Tùng (Phó Tổng giám đốc phụ trách marketing của Creative Nature Group – phân phối độc quyền các thương hiệu TIGI, Davines, Moroccanoil) cho rằng: “Chỉ có những thứ chưa thay đổi thôi, còn sớm muộn chúng sẽ thay đổi”, nhưng ông cũng lại cho rằng “Sự sáng tạo của con người chính là thứ không thay đổi. Chỉ có cách thức sáng tạo mới cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh, đối tượng. Và chúng tôi chuyển động quanh điều cốt lõi này.”

Trong khi đó, Táo doanh nghiệp Bùi Quang Hùng (Đồng sáng lập và Giám đốc marketing chuỗi cửa hàng tóc 30Shine) lại có cái nhìn riêng của mình: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ ngành marcom thay đổi chóng mặt. Càng ngày những điều hiệu quả chúng ta làm ra càng có giá trị sử dụng ngắn lại. Bởi vậy, câu hỏi quan trọng không phải là điều gì sẽ thay đổi mà là điều gì không thay đổi hoặc chưa thay đổi.” 

Táo Thương mại và phân phối Phạm Vũ Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing của Creative Nature Group (nhà phân phối độc quyền các thương hiệu TIGI, Davines, Moroccanoil)

Táo Thương mại và phân phối Phạm Vũ Tùng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Marketing của Creative Nature Group (nhà phân phối độc quyền các thương hiệu TIGI, Davines, Moroccanoil)

Cũng nói về sự thay đổi, đồng thời khái quát quá trình tiến hoá của việc làm chiến lược thương hiệu tại Việt Nam, cũng là con đường làm nghề của mình, Táo thương hiệu Nguyễn Đức Sơn (Sáng lập và CEO Interloka Brand Agency, Sáng lập và Chủ tịch Plato Brand Academy) chia lĩnh vực này thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là chiến lược thương hiệu phục vụ chính cho quảng cáo, truyền thông; giai đoạn 2 là giai đoạn chiến lược thương hiệu phục vụ cho quản trị chiến lược tổng thể, cho công tác lãnh đạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Chiến lược thương hiệu lúc này không còn tồn tại độc lập, đơn lẻ như giai đoạn trước mà nó được tích hợp, phối trộn rất sâu với các hợp phần khác của quản trị doanh nghiệp như chiến lược cạnh tranh, mô hình kinh doanh. 

“Marcom giờ đây cần phát triển theo chiều sâu và mang tính quản trị cao. Nghĩa là tổ chức cần quan tâm đến cả chính đội ngũ nhân sự của mình, xem họ đã lớn lên về mặt tư duy như thế nào trong việc xây dựng và thực thi chiến lược thương hiệu.” – Ông Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.

Táo thương hiệu Nguyễn Đức Sơn - Sáng lập và CEO Interloka Brand Agency, Sáng lập và Chủ tịch Plato Brand Academy

Táo thương hiệu Nguyễn Đức Sơn – Sáng lập và CEO Interloka Brand Agency, Sáng lập và Chủ tịch Plato Brand Academy

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Đức Sơn, Táo chiến lược Đoàn Đức Thuận (Phó Tổng giám đốc phụ trách marketing Kowil Fashion) một lần nữa chỉ rõ sự thay đổi cần thiết trong tư duy và cách làm marketing của Việt Nam. Theo ông, “Trên thực tế, ít thấy một cái gọi là Chiến lược Marketing thực sự, mà chỉ thấy nhiều những hoạt động Marketing mang tính chiến lược. Marketing, Thương hiệu hay các năng lực tổ chức (capabilities) khác đều nên có sự kết nối đồng bộ hợp lực (synergy) với nhau, và là các cấu phần của một Chiến lược chung”.

Phân tích kỹ hơn về ý này, ông Thuận giải thích: “Vì sao cần phân biệt Strategy và Marketing? Là để biết rằng marketing là một năng lực triển khai thành công hành trình tăng trưởng đến trung hạn (chiến lược); Là để biết marketing không chỉ làm truyền thông; Là để biết marketing chỉ có thể làm những gì, và không thể làm những gì; Là để biết tuyển giám đốc marketing giỏi không phải chỉ để vá lỗi, xử lý vấn đề bằng cách trả lương cao và rất cao; Và là để mở rộng sự tác động của marketing trong việc hiểu, tạo, cung cấp và hồi thu giá trị cho doanh nghiệp”. 

Táo chiến lược Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing Kowil Fashion

Táo chiến lược Đoàn Đức Thuận – Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing Kowil Fashion

Thông điệp chung ở đây của ông Nguyễn Đức Sơn và ông Đoàn Đức Thuận đều là nhấn mạnh về sự cần thiết phải thay đổi tư duy và mở rộng phạm vị về vai trò cũng như nâng cấp trình độ của người làm marcom. Về ý này, Táo Văn hoá Nguyễn Đình Thành (Đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành Elite PR School; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyền đổi số) chỉ rõ thêm: “Marcom giúp công ty bán được hàng, nhưng cũng phải bắt tay với các bộ phận khác để đảm bảo được nguồn lực cho doanh nghiệp trong các khía cạnh như quan hệ chính phủ, quan hệ nhà đầu tư, quan hệ cộng đồng, tìm kiếm và kết nối đối tác…”. Còn ông Đoàn Đức Thuận bổ sung: “Người làm marketing cần có tư duy kết nối chức năng. Luôn tìm giải pháp cho vấn đề chứ không phải chỉ làm sao để truyền thông hay hơn.”

Táo Văn hoá Nguyễn Đình Thành - Đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành Elite PR School, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyền đổi sốTáo Văn hoá Nguyễn Đình Thành – Đồng Sáng lập và Giám đốc điều hành Elite PR School, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyền đổi số

Nói đến Marcom là nói đến sáng tạo, nhưng sau hơn một thập kỷ thì sự sáng tạo nên được nhìn nhận thế nào, những điều gì cần điều chỉnh, những điều gì cần gia tăng? 

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, Táo Sáng tạo Phan Ngọc Sang (Đồng sáng lập Strategy Coast; Sáng lập & CEO Dirty Paws Agency; Sáng lập và sở hữu hệ thống Phường Quán, Fang Pub) nêu ra một con số đáng chú ý từ nghiên cứu của System1: 48% người xem quảng cáo trong 5 năm trở lại đây tại US & UK thờ ơ với quảng cáo.

Như thế tức là gần 68 tỷ đô la chi phí này bị bỏ phí. Việt Nam có những con số thấp hơn về tổng chi phí cho quảng cáo nhưng tỷ lệ lãng phí thì cũng ngày càng tăng lên do sự quá tải về thông tin, nội dung và kênh phát. Vậy trong bối cảnh này người làm marcom sẽ phải làm gì? Theo ông Phan Ngọc Sang, đó là phải trở nên dũng cảm hơn, phải chống lại sự thỏa hiệp của nỗi sợ hãi trong bản thân.

Con người sinh ra vốn đầy sáng tạo nhưng rồi theo thời gian chúng ta hình thành nên đầy nỗi sợ: sợ khách hàng chê cười, sợ cấp trên không phê duyệt, sợ không giống đồng nghiệp, sợ xã hội không chào đón… “Sáng tạo như đi vào rừng rậm với rủi ro và nguy hiểm rình rập. Chúng ta đi trong sợ hãi và vô thức. Nhưng muốn tìm ra ý tưởng mới thì vẫn phải dũng cảm mà bước đi” – ông Phan Ngọc Sang đưa ra lời khuyên. Táo Sáng tạo Phan Ngọc Sang - Đồng sáng lập Strategy Coast, Sáng lập & CEO DirtyPaws Agency, Sáng lập và sở hữu hệ thống Phường Quán, Fang Pub

Táo Sáng tạo Phan Ngọc Sang – Đồng sáng lập Strategy Coast, Sáng lập & CEO DirtyPaws Agency, Sáng lập và sở hữu hệ thống Phường Quán, Fang Pub

Là đồng sáng lập và trực tiếp tham gia vào cả hoạt động nghiên cứu & phát triển sản phẩm lẫn marketing của 30Shine, ông Bùi Quang Hùng hiểu rõ giá trị của sáng tạo. Trong bài chia sẻ của mình ông Hùng khẳng định: “Sáng tạo thì chưa chắc đã thành công. Nhưng nếu không sáng tạo thì chắc chắn không có cơ hội thành công”. Theo ông, những phương pháp, xu hướng về truyền thông đang được giảng dạy và quan tâm trên thị trường hầu hết sẽ là những xu hướng đã đi qua. Vì vậy, chỉ khi đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp mới có cơ hội đi trước và đi nhanh.

Táo Doanh nghiệp Bùi Quang Hùng - Đồng sáng lập và Giám đốc Marketing 30ShineTáo Doanh nghiệp Bùi Quang Hùng – Đồng sáng lập và Giám đốc Marketing 30Shine

Nhìn về sáng tạo trong marcom ở những khía cạnh khác, ông Trần Anh Tú (Sáng lập và Chủ tịch interstellar – The IMC Partner) – Táo Truyền thông tiếp thị tích hợp (Integrated Marketing Communication) đi sâu vào vấn đề tư tưởng và ngôn từ của sáng tạo nội dung. Theo ông, giai đoạn hơn một thập kỷ qua, có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng và những người làm marcom đã lạm dụng việc đánh vào nội sợ hãi của người tiêu dùng để đạt mục tiêu thị trường và thương hiệu của mình.

Nhưng ngày nay khách hàng đã hiểu biết hơn, xã hội đã văn minh hơn nên marcom phải thay đổi trong cách lựa chọn thông điệp và sáng tạo nội dung của mình. Đó không nên chỉ là yêu cầu từ thị trường, xã hội mà còn nên là yêu cầu tự thân với mỗi người làm nghề. Từ khóa trong năm tới sẽ là “truyền thông tích cực”. Sử dụng ngôn từ tích cực trong các nội dung để tạo ra một thế giới tích cực hơn. Người làm marketing đừng đi tìm thứ tiêu cực, đừng đào sâu sự khó khăn, khổ sở nữa.” – ông Trần Anh Tú dự báo và nhắn nhủ. 

Táo IMC Trần Anh Tú - Sáng lập và Chủ tịch interstellar - The IMC Partner

Táo IMC Trần Anh Tú – Sáng lập và Chủ tịch interstellar – The IMC Partner

Thể hiện một góc nhìn đầy thực tế, Táo Digital & Martech Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT eCAP Holding) cho rằng: Một chiến dịch marketing có thể hay hoặc không, có thể được triển khai trên môi trường online hay offline thì cuối cùng cũng phải giúp doanh nghiệp kiếm được tiền. Marketing sáng tạo hay không đều phải bán được hàng”. Cùng chia sẻ quan điểm này, ở phần thảo luận ông Phạm Vũ Tùng cũng nhắc lại: Khách hàng không quan tâm điều bạn làm là truyền thống hay hiện đại, nó có tên gọi là gì, nhưng bạn bán được hàng cho họ thì nó có ý nghĩa. Bạn làm cái gì cũng được. Số về là được.

Táo Digital & Martech Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT eCAP HoldingTáo Digital & Martech Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT eCAP Holding

Nội dung của Táo MarCom luôn bao gồm 2 phần chính là tổng kết và dự báo về tương lai ngành. Ở phần dự báo của sự kiện năm nay, trả lời những câu hỏi liên quan đến việc nhìn nhận, đánh giá các xu hướng marcom trong thời gian tới, đặt trong bối cảnh tác động rất lớn của công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, các Táo đều có những góc nhìn và sự kiến giải đáng suy ngẫm. 

Nhiều góc nhìn về tương lai ngành marcom Việt đã được các chuyên gia đưa ra và phân tích.

Táo Insight Đặng Thuý Hà – Giám đốc Thấu hiểu khách hàng NielsenIQ Việt Nam với hơn 20 năm làm việc trong ngành nghiên cứu thị trường và thấu hiểu người tiêu dùng phân tích: “Có lẽ đây là lúc chúng ta không thể nhìn khách hàng một cách mơ hồ, chung chung được nữa. Cần biết đâu là tệp khách hàng hiện tại và đâu là tệp khách hàng trong tương lai. Và phân khúc khách hàng không đơn thuần chỉ theo giới tính, thu nhập hay vùng miền nữa mà phải đi sâu vào các đặc điểm của nhu cầu, tâm lý của từng nhóm. Chúng ta cần nhìn, nghe, theo dõi khách hàng, chia nhỏ từng nhóm ra theo các loại nhu cầu, phải nhìn từ yếu tố tâm lý. Và lúc này, công nghệ, AI đang giúp chúng ta làm điều đó ngày càng tốt hơn”. 

Táo Insight Đặng Thuý Hà - Giám đốc Thấu hiểu khách hàng NielsenIQ Việt Nam

Táo Insight Đặng Thuý Hà – Giám đốc Thấu hiểu khách hàng NielsenIQ Việt Nam

Thừa nhận AI sẽ là xu hướng trong hai năm tới nhưng ông Trần Anh Tú vẫn thận trọng khi đưa ra lời khuyên cho người tham dự. Ông cho biết, có 64% đội ngũ tiếp thị đã và đang sử dụng AI cho công việc của mình nhưng 72% người tiêu dùng thì lại tin các trình tạo nội dung trên AI sẽ tạo ra những nội dung sai lệch. Vì thế, cần xác định được điểm chạm hợp lý, chỗ nào nên và không nên dùng AI. 

Nhìn nhận về cái gọi là xu hướng thị trường, xu hướng ngành, một mặt ông Bùi Quang Hùng cho rằng: “Thời thế rất quan trọng. Giống như khi chúng ta đã lên kịp một chuyến tàu, lúc mà đoàn tàu mới bắt đầu lăn bánh thì cái gì cũng nhanh, cũng thuận lợi”. Vì thế, doanh nghiệp phải nhanh nhạy nắm lấy. Nhưng ông cũng cảnh báo mọi người rằng mọi xu thế đều đến lúc thoái trào.

Do đó, cần sẵn sàng và chuẩn bị cho bước tiếp theo ngay cả khi mọi thứ đang thuận lợi, phải biết đâu là khoản đầu tư dài hạn và đâu là những chi phí ngắn hạn. Với 30Shine, xây dựng thương hiệu là một khoản đầu tư dài hạn để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và không bị phụ thuộc vào các xu hướng. 

Gây ấn tượng mạnh với sự kiện bằng câu nói “Ở Vua Nệm chúng tôi không có chiến lược marketing mà chỉ có các kế hoạch marketing 3 tháng một lần”, ông Nguyễn Hồng Quân – Giám đốc marketing của Vua Nệm sau đó giải thích cho khán giả hiểu về lý do của quan điểm này. Và đó cũng là câu trả lời của ông về những gì được gọi là xu hướng hay sự thay đổi: “Cái quan trọng nhất vẫn phải là chúng ta làm gì cho phù hợp với bối cảnh. Rõ ràng bối cảnh của thị trường bây giờ so với bối cảnh 10 năm trước rất khác nhau.

Tệp khách hàng, sự quan tâm  của khách hàng cũng hoàn toàn khác xưa. Khi mình đặt mình vào bối cảnh như thế thì mình sẽ luôn luôn phải trả lời một câu hỏi đó là: những thứ chúng ta đang làm tốt ngày hôm qua có ai còn quan tâm nữa không? Chúng ta hỏi và tự trả lời được câu hỏi ấy thì đó chính là cách chúng ta sống sót được trong tình hình hiện nay”

Táo doanh nghiệp Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc marketing Vua NệmTáo doanh nghiệp Nguyễn Hồng Quân – Giám đốc marketing Vua Nệm

Với lăng kính của người làm sáng tạo và người làm PR, ông Phan Ngọc Sang và ông Nguyễn Đình Thành mong muốn doanh nghiệp và các đồng nghiệp hãy luôn tập trung vào yếu tố con người. Dù thời thế, xu thế nào thì con người vẫn là yếu tố cốt lõi hàng đầu. Khi sáng tạo, hãy coi khách hàng của bạn là người đang sống, đang thở ngay trước mặt bạn. Hãy trò chuyện với họ bằng cả trái tim, bằng tình yêu với nhiều màu sắc cảm xúc. Đây là thứ mà AI không làm được.” – Ông Phan Ngọc Sang chia sẻ trong bài thuyết trình. 

Còn ông Nguyễn Đình Thành thì gửi đi một lời khẳng định: Tôi cho rằng, tinh hoa của marketing và truyền thông là mối quan hệ giữa con người với con người. Chừng nào chúng ta còn biết rằng, chúng ta làm gì đó vì con người, do con người, bởi con người, tại con người thì chúng ta còn giữ được kết nối với công chúng và chúng ta sẽ không bị lạc bước.”

Là một người nghiên cứu sâu các lý thuyết marketing, thương hiệu và quản trị kinh điển cũng như ứng dụng vào nhiều dự án thực tế, ông Nguyễn Đức Sơn đưa ra một nhận xét rằng, Việt Nam ta học rất nhanh các khái niệm mới, nắm bắt rất nhanh các xu hướng nhưng thường lại không theo đuổi cái gì đến cùng nên về độ sâu còn hạn chế cũng như thiếu đi nền tảng bền vững cần thiết. Và ông gửi đến giới marcom lời nhắn nhủ: “Chúng ta đương nhiên không nên đi lệch mà cần nương theo AI, nương theo xu thế. Nhưng, người làm marcom giỏi là người biết kiểm soát dòng chảy chứ không phải để dòng chảy cuốn đi.”

Với vai trò là Trưởng ban Tổ chức Táo MarCom 2023, Phó Chủ tịch điều hành VMCC, ông Vũ Trung Hiệp (Đồng sáng lập & CEO LinkStar Event & Communication) tổng kết sự kiện với một thông điệp tâm huyết gửi tới cả cộng đồng marcom Việt Nam: “Marcom là một dòng chảy lớn nơi mỗi người làm nghề là một hợp lưu. Ai cũng có cách thức, quan điểm của riêng mình. Mong sao chúng ta tôn trọng, học hỏi nhau, và chia sẻ với nhau nhiều hơn, để ngoài việc cùng nhau phát triển tri thức làm nghề thì còn cùng nhau giữ được tâm nghề, đạo nghề và hình thành được bản sắc văn hoá marcom Việt”.

Ông Vũ Trung Hiệp - Trưởng ban Tổ chức Táo MarCom 2023, Phó Chủ tịch điều hành VMCC

Ông Vũ Trung Hiệp – Trưởng ban Tổ chức Táo MarCom 2023, Phó Chủ tịch điều hành VMCC

Tổng hợp và biên tập bởi Bích Hiệp – Phó Chủ tịch điều hành VMCC, Co-Founder & CEO LinkStar Event & Communication.

________________

Táo MarCom 2023 do Cộng đồng Tiếp thị và truyền thông Việt Nam (VMCC) tổ chức, với sự đồng hành của các đơn vị: 

– Đối tác chiến lược: Vinalink Media, LinkStar Event & Communication, Unique OOH, Repu Digital, interstellar, Peony Edu Travel

– Nhà tài trợ: Lũa Decor, SEONGON, Unique OOH, MISA AMIS, Repu Digital, BasEle, ONOFF, Hanoi Sun Travel, GoldenStar, Vietstarmax

– Bảo trợ truyền thông: Vietnamnet, Viettimes, TheLEADER, BrandsVietnam, Advertising Vietnam, Beat Network

– Đối tác cộng đồng: CSMO, JCI Vietnam, DMA, UAN, BrandWalkers, Elite PR School, Tâm Sự Con Sen.

 

Tác giả

Administrator

Bình luận