Họp chuyên môn: Giải mã bí quyết lan tỏa thương hiệu nhờ viral video marketing

Chủ nhật ngày 15/05 vừa qua, thay thế cho format Sunday Coffee như thường lệ, chương trình Họp chuyên môn đầu tiên đã ra mắt với sự chuyên biệt hóa hơn về kiến thức từ các nhóm chuyên môn cụ thể. Trong số mở màn có nội dung chuyên môn về DIGITAL – chủ đề “Nude with Viral video”, các Hội viên chính thức của VMCC đã có cơ hội được lắng nghe chia sẻ từ anh Nguyễn Thanh Hà – Đạo diễn, Biên kịch, Giám đốc dự án của công ty ESBA Vietnam, một production house đã sản xuất nhiều sản phẩm viral video marketing hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Viral video marketing là gì?

Theo anh Hà, để hiểu đúng về viral video marketing, ta cần phải hiểu về hai thuật ngữ đã tạo nên khái niệm này. Thứ nhất, về viral video, đó là một đoạn video ngẫu nhiên được phát tán rộng rãi trên Internet, chủ yếu qua các bài post trên mạng xã hội, youtube, thường không có mục tiêu viral từ trước. Thứ hai, về viral marketing, đó là hoạt động marketing được tạo ra bởi doanh nghiệp nhằm gia tăng độ nhận biết thương hiệu, hoặc để đạt một số mục tiêu marketing khác như gián tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng…

Như vậy, viral video marketing chính là các viral video được xây dựng có chủ đích nhằm phục vụ cho hoạt động marketing, nhằm tăng độ nhận biết thương hiệu, thể hiện cá tính thương hiệu và khiến người xem có cảm tình với thương hiệu.

Có thể nói, một doanh nghiệp được coi là đã thực hiện được viral video marketing thành công khi video đó đảm bảo được cả hai tiêu chí chính: (1) viral – có độ lan tỏa cao sau khi phát hành, trung bình cứ 50-100 view lại phát sinh một lượt share; và (2) marketing – sự viral của video phải được doanh nghiệp tính toán kĩ lưỡng, truyền tải thông điệp mạnh mẽ, và cho phép doanh nghiệp kiểm soát hiệu quả trong thời gian của chiến dịch.

Anh Nguyễn Thanh Hà đang đưa ra hình ảnh cấu trúc gene của virus để minh họa cho các yếu tố giúp tạo nên viral video

Anh Nguyễn Thanh Hà 

Việc hiểu đúng về khái niệm của viral video marketing cho phép ta phân biệt hình thức này với TVC và đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. Theo anh Hà, trong khi TVC mang tính quảng cáo với nội dung chủ yếu là giới thiệu về đặc tính sản phẩm thì viral video marketing mang tính truyền thông và nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu. Như vậy, viral video marketing đặc biệt phù hợp với các sản phẩm dịch vụ, khi sản phẩm không được định hình cụ thể.

Ngoài ra, viral video marketing không tốn kém về chi phí phát hành như TVC, nhưng lại có khả năng tạo lượng earned media cao. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động tương tác, lắng nghe phản hồi tâm lý từ phía khán giả, và dễ dàng phân tích hành vi người xem qua các công cụ đo lường.

Viral video rất thành công của một công ty bảo hiểm tại Hồng Kông – Hình thức viral video phù hợp với loại hình sản phẩm là dịch vụ bảo hiểm

Điều gì khiến một video viral?

Khác với khi trình chiếu trên TV – khán giả không có lựa chọn tua nhanh, hoặc có ít động lực để bỏ theo dõi, bài toán lớn nhất của một video phát tán trên Internet là làm sao để thu hút được sự chú ý và giữ chân được người xem thậm chí đến những giây cuối cùng. Anh Hà cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tạo ra tính “viral” cho video giống như thiết lập các “đoạn gen” cho con “virus” – bằng việc lồng ghép vào phim các yếu tố gây lây lan.

Là một người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm phim, trong các sản phẩm của mình, anh Hà luôn khéo léo lồng các thủ pháp điện ảnh, mà theo anh chính là các “đoạn gen” kích thích hành vi phát tán: như yếu tố gây tò mò, yếu tố đảm bảo cho video mang tính chân thực, yếu tố phòng trừ các comment tiêu cực, yếu tố gây căng thẳng và giải tỏa căng thẳng, yếu tố gây tranh cãi… Cũng theo anh, yếu tố hài hước vốn bị nhiều doanh nghiệp lạm dụng trong các video, lại chỉ là yếu tố tạo sự thú vị, không phải yếu tố kích thích viral, bởi lẽ quan điểm về hài hước tại các vùng miền là không tương đồng.

Để giúp một video có thể viral thành công, anh Hà cho rằng doanh nghiệp phải kể được một câu chuyện thật chân thực, dựa trên những cảm xúc có thực. Cũng từ đó, anh Hà đưa ra lời khuyên rằng nên tránh sử dụng người nổi tiếng trong viral video, để tránh tạo ra cảm giác dàn dựng, đề phòng từ phía người xem. Đối với yếu tố thương hiệu, nếu được lồng ghép khéo léo, vẫn có thể đưa vào video nhiều lần mà không sợ người xem mất cảm tình.

Viral video của Coca-Cola – tuy hình ảnh thương hiệu xuất hiện nhiều nhưng không hề gây cho khán giả sự khó chịu

Để minh họa cho những kiến thức đã chia sẻ, anh Hà còn đưa ra một số case viral video marketing mà anh đã trực tiếp biên kịch và đạo diễn cho thương hiệu Kids Plaza. Khi đó Kids Plaza mới chỉ có 26 cửa hàng. Với mục tiêu mở 100 cửa hàng trên toàn quốc, viral video marketing là phương tiện hữu hiệu để tăng độ nhận diện của thương hiệu tới mọi miền của tổ quốc, điều mà các hình thức quảng cáo khác khó lòng đạt được với cùng mức chi phí. Hai clip “Con gái lấy chồng như đánh bạc” và “Gia đình là nơi trở về” được ESBA Vietnam thực hiện đều đạt mục tiêu viral với hàng chục triệu lượt xem, 150.000 lượt share, và hàng chục nghìn lượt comment, nhờ xây dựng được một câu chuyện rất thực tế mà hầu hết phụ nữ đều cảm thấy đồng cảm.

Viral video “Con gái lấy chồng như đánh bạc” của Kids Plaza

 Quá trình thực hiện viral video của Kids Plaza

Như vậy, thông qua trường hợp viral video marketing của Kids Plaza, ta có thể thấy được những hiệu quả mà viral video marketing có thể tạo ra, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá hình ảnh thương hiệu.

VMCC xin chân thành cảm ơn Trung Nguyên Coffee đã hỗ trợ không gian sự kiện, cám ơn diễn giả Nguyễn Thanh Hà, anh Trần Anh Tú, anh Phạm Ngọc Linh đại diện cho Ban Quản trị của VMCC, cùng tất cả các thành viên đã nhiệt tình tham gia. Hy vọng rằng mô hình Họp chuyên môn mới có thể thực sự đem lại cho các anh chị Hội viên VMCC những kiến thức chuyên sâu và bổ ích.

Hoàng Hạnh

Bình luận