Sunday Coffee #17: Thương mại điện tử – Cuộc chơi không chỉ có ông lớn
Nhắc đến thương mại điện tử, trong tâm trí khách hàng thường hiện lên những tên tuổi như Lazada, Zalora, Adayroi… Đó là những “ông lớn” tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều những doanh nghiệp vừa và nhỏ khác đang cạnh tranh để tìm chỗ đứng – và tìm cách tồn tại trên thị trường e-commerce ngày càng khốc liệt. Trong buổi sáng Chủ Nhật 01/11/15, anh Trần Anh Tú – chủ tịch CLB Truyền thông Tiếp thị Việt Nam VMCC và các thành viên CLB đã cùng giải bài toán về thương mại điện tử (e-commerce) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường Việt Nam.
Ai có thể tham gia vào TMĐT?
Có 2 loại hình doanh nghiệp tham gia vào thị trường TMĐT. Một là doanh nghiệp có mô hình kinh doanh với cốt lõi là e-commerce. Hai là doanh nghiệp bán lẻ, lựa chọn e-commerce như một kênh bán hàng mở rộng. Anh Tú cho rằng, với doanh nghiệp không có lõi là nền tảng công nghệ thông tin, việc tham gia vào thị trường TMĐT sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi thiết lập một hệ thống e-commerce để có thể vận hành trơn tru không chỉ cần đến kĩ thuật mà còn cả kinh nghiệm. Dù có thể sử dụng nguồn lực thuê ngoài, nhưng nếu doanh nghiệp không có chuyên môn thì sẽ không thể giám sát tốt công việc, hay đề ra các chỉ tiêu khả thi. Chưa kể chi phí đầu tư lớn, mức độ cạnh tranh cao. Thị trường TMĐT quả thực luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tiếp cận kênh e-commerce nhưng không phải là giá trị cốt lỗi của DN, thì sẽ khó mà đem lại trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng. Trong khi trải nghiệm là một trong những lí do quan trọng nhất khiến người dùng có muốn tiếp tục gắn bó với DN hay không. Do vậy DN cần cân nhắc kĩ về nguồn lực và năng lực trước khi tham gia.
“Đầu tư vào chất lượng dịch vụ thay vì lao vào cuộc chiến giá rẻ”
Doanh nghiệp SME khi bước chân vào lĩnh vực còn rất mới mẻ là TMĐT thường có nhiều lầm tưởng, dẫn đến đi chệch hướng từ chiến lược đến chiến thuật. Một trong số đó là tư duy: “Người dùng luôn so sánh giá, nơi đâu bán rẻ hơn thì mua.” Do vậy, nhiều doanh nghiệp liên tục lao vào cuộc đua hạ giá.
Theo anh Tú, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nên tránh sử dụng chiến thuật giá rẻ. Thời gian đầu có thể thu hút được khách hàng, nhưng lâu dài sẽ bị “ông lớn” như Lazada dùng cách thức tương tự để hạ bệ. Họ có thể hạ giá thật sốc, sau đó khoác lên một cái mác “khuyến mãi khủng” – vô cùng thuận mắt. SME thì khác. Thương hiệu nhỏ, nhận biết thấp, bán giá rẻ. Dễ bị ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu về lâu dài, khó sửa chữa sau này.
Cần phải hiểu rằng, không phải cứ giá rẻ nhất là khách hàng sẽ nhao đến mua ngay. “Khách hàng sẽ đến nơi bán gần nhất, hoặc nhanh nhất, hoặc được phục vụ tốt nhất.” Đối tượng chủ yếu của TMĐT là người dùng hiện đại, vốn đề cao tính tiện lợi, mau chóng. Đứng từ góc độ của một người dùng thường xuyên mua hàng trên kênh TMĐT, chị Nguyễn Thanh Hồng (VNPT) cho rằng: Khách hàng sẽ có xu hướng chọn một đơn vị TMĐT nhỏ nhưng có thể giao hàng ngay trong 30 phút, thay vì đặt hàng trên Lazada và đợi mất 2 – 3 ngày, miễn là phục vụ tốt. Giá rẻ không phải là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, nên đầu tư vào các yếu tố chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn việc lao vào cuộc chiến về giá – lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Digicity: Góc nhìn của nhà bán lẻ
Chị Lan, Phó tổng GĐ của chuỗi siêu thị điện máy Digicity có những chia sẻ từ góc nhìn của nhà bán lẻ. Digicity vốn là đơn vị kinh doanh điện máy, đang lên kế hoạch xây dựng kênh bán hàng qua TMĐT nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là chi phí tốn kém. Các cổng thanh toán thường có dịch vụ khởi tạo miễn phí. Nhưng sau một thời gian hoạt động, nếu lượng khách hàng thanh toán không cao, chi phí sẽ rất lớn. Thứ hai, hiện tại một số đơn vị kinh doanh TMĐT đang có những động thái không lành mạnh như tạo doanh thu khống, đẩy hàng qua lại với nhau tạo doanh số ảo… Nếu cứ như vậy sẽ khiến thị trường TMĐT tại Việt Nam khó phát triển. Chính Digicity cũng đang mắc kẹt trong câu hỏi “Nên làm gì?”, lưỡng lự khi thấy mảnh đất TMĐT cho mặt hàng điện máy đầy tiềm năng mà cũng nhiều rủi ro trước khi bước vào.
Doanh nghiệp SME hãy tận dụng thế mạnh của mình
Kết luận cho buổi chia sẻ, anh Tú đưa ra nhận định: Mục tiêu của những Lazada, Adayroi… là giáo dục thị trường, là thống lĩnh ngành e-commerce tại Việt Nam. SME đừng cố gắng làm theo các “ông lớn”. Thay vào đó, SME hãy cố gắng tận dụng hiểu biết về nhu cầu, thói quen của khách hàng. Giao hàng nhanh chóng, phục vụ nhiệt tình. Thậm chí SME còn có lợi thế hơn “ông lớn” nhờ lãnh đạo doanh nghiệp ở gần khách hàng hơn, có thể dễ dàng nắm bắt phản hồi từ người mua để có điều chỉnh phù hợp. Hãy cố gắng “chơi” tốt nhất tại sân chơi nhỏ. Cơ hội e-commerce hiện còn rất rộng mở với các doanh nghiệp SME.
Buổi Sunday Coffee lần thứ 17 đặc biệt hơn thường lệ. Kết thúc phần chia sẻ, các thành viên VMCC cùng cắt bánh mừng sinh nhật sớm cho chủ tịch Trần Anh Tú.
VMCC xin chân thành cảm ơn Toong đã hỗ trợ không gian sự kiện, cùng anh Trần Anh Tú và tất cả các thành viên khác đã tới tham gia!
Ngọc Khánh