Sunday Coffee #20: Đi tìm giá trị thực cho văn hóa doanh nghiệp

Đã thành thông lệ, Chủ nhật ngày 3 tháng 4 vừa qua – Chủ nhật đầu tiên của tháng, CLB Truyền thông và tiếp thị Việt Nam VMCC đã tổ chức buổi Sunday Coffee số 20. Đến với buổi chia sẻ xoay quanh chủ đề “Xây dựng văn hóa cho thương hiệu” lần này có sự tham gia của anh Nguyễn Đức Sơn – cố vấn của VMCC cùng chị Đặng Thanh Vân – sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn thương hiệu Thanhs.

Buổi Sunday Coffee lần này vô cùng đặc biệt, rất hữu duyên khi trùng với sinh nhật của chị Thanh Vân. Các thành viên tham dự đã dành cho chị những lời chúc chân tình và bài hát Chúc mừng sinh nhật, mang đến cho buổi chia sẻ một không khí đầy thân mật, ấm cúng.

DSC_3159

Mở đầu buổi chia sẻ, chị Vân nhận được một câu hỏi có lẽ cũng là mối băn khoăn chung của rất nhiều người: Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân khi bản thân không có điểm đặc biệt? Theo quan điểm của chị Vân, có thể sử dụng đam mê làm nét nổi trội để ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Phải tìm thấy niềm đam mê thúc đẩy mình hành động, biến đam mê trở thành một giá trị cốt lõi. Bằng cách chia sẻ niềm đam mê, ta dễ dàng nhận được sự đồng cảm từ cộng đồng.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – đâu là hướng đi đúng?

Xoay quanh chủ đề chính của chương trình là “văn hóa doanh nghiệp”, chị Vân đã chỉ ra hai sai lầm lớn trong quan điểm của mọi người: đó là doanh nghiệp không phải cứ có tiền mới đẩy mạnh được văn hóa, và văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ là các sự kiện nội bộ như sinh nhật hay liên hoan. Theo chị, những sự kiện đó chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính tình thế, không đem lại hiệu quả bền vững. Đôi khi, chỉ những hoạt động nhỏ như phát nhạc giữa giờ nghỉ, phát thanh radio những lời chia sẻ của nhân viên, hay thiết kế tờ nội san trong doanh nghiệp… được triển khai trong thời gian lâu dài cũng có thể đem lại ý nghĩa lớn. Điều quan trọng là văn hóa phải được xây dựng một cách hệ thống, có chiến lược, phù hợp với tinh thần của công ty.

DSC_3182

Tương tự, một bộ mặt khác của văn hóa doanh nghiệp là các tuyên ngôn về triết lý kinh doanh-tầm nhìn-sứ mệnh-giá trị cốt lõi cũng cần phải được trình bày thật đơn giản, ngắn gọn. Đó hoàn toàn không phải là những thứ lí thuyết suông được viết để đánh bóng hình ảnh, mà trước tiên phải là để nhân viên có thể hiểu và tuân theo.

Đồng tình với quan điểm này, một thành viên tham gia chương trình là chị Thủy cũng đã chia sẻ những câu chuyện liên quan đến xây dựng văn hóa nội bộ khi còn làm phụ trách truyền thông tại Tập đoàn Hòa Phát. Là một tập đoàn lớn, giàu truyền thống, mang nặng tính sản xuất công nghiệp, bởi vậy văn hóa mà Hòa Phát xây dựng cũng khác với nhiều doanh nghiệp trẻ. Văn hóa được ốp thành quy chế như việc tổ chức các hoạt động hàng năm, hay chế độ đãi ngộ cho người lao động. Nhờ việc xây dựng văn hóa thông suốt từ lãnh đạo tới công nhân viên, nên tuy cường độ lao động lớn và mức lương không cao, Hòa Phát vẫn có nhiều nhân viên gắn bó lâu dài. Cuối cùng, chị Thủy khẳng định, điều giữ chân người lao động đôi khi không phải là những thứ bề nổi “màu mè hoa lá”, mà chính là văn hóa doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – Quả bóng trách nhiệm về chân ai?

Một câu hỏi khác tiếp tục được đặt ra: Vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp là trách nhiệm của phòng ban nào? Liệu có phải thuộc về phòng Nhân sự, hay là phòng Truyền thông? Để trả lời câu hỏi này, anh Đức Sơn đã khẳng định: “Văn hóa công ty phải là văn hóa của người đứng đầu.” CEO phải là người nghĩ ra ý tưởng về văn hóa doanh nghiệp và có đủ khả năng áp chế để đưa văn hóa đó vào quy chế doanh nghiệp yêu cầu các phòng ban thực thi. Chính giá trị của người lãnh đạo mới là yếu tố quan trọng nhất khiến các giá trị về văn hóa được lưu truyền bền vững trong nội bộ doanh nghiệp.

DSC_3203

Cũng với quan điểm này, chị Vân đã chia sẻ câu chuyện của ông Nguyễn Hồng Lam – người sáng lập và cũng là người đứng đầu thương hiệu Ô mai Hồng Lam – như một ví dụ mẫu mực về việc người lãnh đạo làm gương xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tại Hồng Lam, đều đặn luôn có những buổi gặp mặt giữa lãnh đạo và toàn bộ công nhân viên công ty, tạo thành nét văn hóa tôn trọng trong nội bộ doanh nghiệp – nhân viên được đánh giá đúng về bản thân và được lắng nghe.

Anh Sơn kết luận: “Xây dựng văn hóa cũng giống như việc dạy con: không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn phải hành động của CEO”. Như vậy, giá trị thực của văn hóa doanh nghiệp phải nằm ở quan điểm của người lãnh đạo, được người lãnh đạo đưa vào quy chế thực thi, và trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội bộ doanh nghiệp.

VMCC xin chân thành cảm ơn Toong Co-working space đã hỗ trợ không gian sự kiện, cám ơn anh Nguyễn Đức Sơn, chị Đặng Thanh Vân và tất cả các thành viên đã nhiệt tình tham gia.

Hoàng Hạnh

Bình luận