Talk to Advisors #13: Marketing Innovation và bài toán đem tủ trồng rau sạch thông minh đến các “nông dân thành phố”

Ngày 18/05/2018, CLB  Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC) đã tổ chức buổi hội thảo “Talk to Advisors #13:  Marketing Innovation – Nông dân thành phố trồng rau sạch 4.0”.

Buổi hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia:

  1.       Anh Đoàn Đức Thuận – Chuyên gia tư vấn Chiến lược và Đổi mới sáng tạo, Managing Director, StrategyM Consulting.
  2.       Chị Vũ Hoài Thu – Giám đốc Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Công ty T&A Ogilvy.


Doanh nghiệp tham gia để được tư vấn trong Talk to Advisors #13 là Future Farm – Doanh nghiệp cung cấp Giải pháp trồng rau sạch thông minh trong nhà cho người thành phố. Tủ trồng rau trong nhà Future Farm là sản phẩm thủy canh trong nhà đầu tiên trên thị trường với hệ thống tự động, cần ít thời gian chăm bón và thích hợp với những người dân thành phố có lối sống bận rộn nhưng vẫn mong muốn có được những bó rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho mình và gia đình. Theo anh Đinh Mạnh Hà – đại diện đến từ Future Farm, doanh nghiệp đang gặp phải 3 vấn đề bức thiết và cần được tháo gỡ bởi các chuyên gia đầu ngành: vấn đề về phát triển sản phẩm, về vận hành kinh doanh – mở rộng thị trường và về truyền thông.

 

Anh Đoàn Đức Thuận  – “Innovation phải chuyển được ý tưởng sáng tạo thành hóa đơn!”

Vị chuyên gia đầu tiên đem đến cho  Future Farm cũng như các khán giả của buổi hội thảo những kiến thức về Marketing Innovation cùng sự tư vấn về các vấn đề của doanh nghiệp là anh Đoàn Đức Thuận. Theo anh Thuận, Innovation được định nghĩa là những đổi mới sáng tạo vượt khỏi tư duy lối mòn, ví dụ như Coca Cola đổi mới bao bì bằng cách in tên khách hàng lên lon Coca trong chiến dịch “Share a Coke”. Tuy nhiên, khác với Creativity, Innovation phải chuyển được ý tưởng sáng tạo thành hóa đơn, phải khiến người tiêu dùng không chỉ thấy ý tưởng sản phẩm của bạn thú vị, mà còn sẵn sàng bỏ tiền ra để mua và sở hữu sản phẩm đó.

Vậy làm thế nào để có Innovation? Đến với buổi hội thảo, anh Thuận đã chia sẻ 3 bước cơ bản để kiến tạo Innovation:

  • Bước 1: Đừng chỉ nhìn vào nhu cầu của khách hàng, hãy thấu cảm
  • Bước 2: Sáng tạo về các ý tưởng giải pháp thông qua Value proposition design và phương pháp SCAMPER.
  • Bước 3: Hãy gọt dũa, cải tiến, hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo và biến chúng thành nhân tố giá trị gia tăng trong sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của mình. Nếu có thể, hãy để khách hàng tham gia vào đồng kiến tạo giải pháp với mình. Doanh nghiệp có thể tạo ra MVP (Minimum Viable Product), hay còn được gọi là sản phẩm khả thi tối thiểu rồi mời khách hàng tới trải nghiệm, đưa ra nhận xét để từ đó hoàn thiện sản phẩm theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng.

Sau khi truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm quý giá về Marketing Innovation, anh Thuận đã đưa ra những giải pháp hữu ích cho Future Farm và giúp doanh nghiệp phần nào gỡ rối những vướng mắc của mình. Về mặt giá cả, nhận thấy tủ trồng rau trong nhà có giá thành cao hơn willing-to-pay của khách hàng, anh Thuận gợi ý rằng Future Farm nên cân nhắc phương thức thanh toán linh hoạt, từng phần; phương án cho thuê tủ hay bán bundle cùng các sản phẩm, dịch vụ khác. Ở khía cạnh truyền thông, Future Farm nên làm rõ câu chuyện về giáo sư Nguyễn Quang Thạch – một trong những người đâu tiên nghiên cứu công nghệ trồng thủy canh kết hợp sử dụng đèn và cũng là người trực tiếp tham gia phát triển tủ trồng rau Future Farm như một reason-to-believe. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể triển khai các hoạt động truyền thông online, offline đúng điểm chạm của khách hàng mục tiêu; đặt mục tiêu truyền thông là tác động đến hành vi chứ không chỉ phục vụ việc gia tăng nhận biết…

 

Chị Vũ Hoài Thu – “Innovation trong phát triển sản phẩm cần xuất phát từ sự thấu hiểu khách hàng sâu sắc”

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông – marketing tại T&A Ogilvy, chị Thu đã đưa ra nhiều ví dụ thú vị về ứng dụng của Innovation trong 4P (Product, Price, Place, Promotion). Chị Thu cho rằng để kiến tạo Innovation trong phát triển sản phẩm, người làm marketing cần thấu hiểu sâu sắc những nhu cầu, vấn đề, quan ngại…của người tiêu dùng. Ví dụ chị Thu đưa ra là sản phẩm bút chì nước Sharpie – sản phẩm đã giải quyết được sự bất tiện của khách hàng khi sử dụng bút chì đặc thông thường, đó là hay bị gãy chì. Kraft Cheese cũng là một thương hiệu thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc hành vi sử dụng của người tiêu dùng đối với sản phẩm phô mai, bởi vậy họ đã phát triển những sản phẩm khác nhau để đáp ứng từng mục đích sử dụng của khách hàng: sản phẩm phô mai đóng lọ để phết lên bánh mì, phô mai thái lát dùng khi kẹp vào bánh sandwich, và phô mai thái vụn cho dịp ăn trộn cùng salad.

Để tư vấn cho thương hiệu Future Farm, chị Thu đã chỉ ra những rào cản từ khách hàng khi đưa ra quyết định mua sản phẩm tủ trồng rau trong nhà của Future Farm. Những rào cản có thể kể đến như sự an toàn về hệ thống mạch điện, tính thẩm mỹ của sản phẩm trong hiện tại, hay việc khách hàng mục tiêu hiện tại đang có xu hướng mua rau sạch ở các siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ và dành cho những đơn vị đó sự tin tưởng nhất định. Bởi vậy, chị Thu nhấn mạnh rằng Future Farm không nên chỉ bán một chiếc tủ để trồng rau sạch, mà hãy bán sự trải nghiệm, sự giải trí cho khách hàng của mình. Future Farm có thể bán trải nghiệm thú vị khi người “nông dân thành phố” được nhìn thấy rau của mình lớn mỗi ngày, bán cảm giác sung sướng của bà nội trợ khi tự tay hái rau mình trồng và thả vào nồi thức ăn. Để đáp ứng được nhu cầu giải trí ấy, Future Farm cũng cần cân nhắc cải tiến mẫu mã sản phẩm để chiếc tủ trở thành một món đồ trang trí nội thất, phát triển thêm tính năng như nuôi cá cho sản phẩm…

Buổi hội thảo “Talk to Advisors #13: Marketing Innovation – Nông dân thành phố trồng rau sạch 4.0” đã không chỉ đem đến những lời khuyên, lời cố vấn hữu ích từ các chuyên gia dành cho Future Farm, mà doanh nghiệp còn nhận được nhiều ý kiến, quan điểm từ chính những khán giả của chương trình. Anh Khuất Đức Trọng đến từ FVF – Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế trực thuộc TH Group đã gợi ý rằng Future Farm nên đăng ký chứng nhận VietGAP – chứng nhận rau an toàn phổ biến tại Việt Nam, để tăng niềm tin trong khách hàng về chất lượng rau được trồng bằng tủ Future Farm. Ngoài ra, các khán giả khác cũng nhiệt tình đề xuất những “innovation” cho Future Farm như đưa tủ trồng rau trở thành một trải nghiệm học hỏi cho các em học sinh hay trở thành một món đồ trang trí nội thất…

Hi vọng rằng “Talk to Advisors” số 13 sẽ là bước khởi đầu của một hành trình mới cho Future Farm – một hành trình của những vướng mắc được giải đáp, và của sự đón nhận từ người tiêu dùng tiềm năng.

Qua từng số Talk to Advisors, VMCC đang ngày càng khẳng định mình như một môi trường sinh hoạt hàng đầu cho giới marketer Việt, là nơi những người làm marketing có thể có thể trau dồi kiến thức, phong phú trải nghiệm và mở rộng kết nối thành viên.

VMCC – Where real marketers connect

Mỹ Anh

Bình luận