Blog

Thương hiệu điểm đến Sơn Đoòng

Nguyễn Thu Thủy

Gần một tháng nay, cộng đồng mạng sôisục với thông tin tỉnh Quảng Bình khởi động dự án xây dựng tuyến cáp treo khoảng 3.800m đưa khách du lịch đến Sơn Đoòng. Các thỉnh nguyện thư bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã được chia sẻ nhanh chóng, thu thập hơn 50.000 chữ ký của những người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế. Trang fanpage Save Sondoong được lập hơn 2 tuần đã thu hút gần 20.000 lượt ưa thích (like). Truyền thông vào cuộc và đã có không ít bài viết ca ngợi vẻ đẹp tuyệt tác của Sơn Đoòng hay phân tích về tác động tiêu cực của cáp treo tới hệ sinh thái Sơn Đoòng, về sự lựa chọn giữa du lịch bền vững hay du lịch đại trà… Chúng tôi muốn đem đến một góc nhìn khác – xây dựng thương hiệu điểm đến.

Theo Luật Du lịch (Quốc hội, 2005), điểm đến du lịch (tourism destination) là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, 2007) định nghĩa:điểm đến du lịch là vùng không gian mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút du khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Các điểm đến du lịch có thể được xác định theo nhiều quy mô khác nhau từ cấp độ đất nước, quốc gia (Việt Nam, Australia…), một khu vực rộng lớn bao gồm vài đất nước (bán đảo Đông Dương, châu Phi), một vùng (Normandy, Tây Nguyên…), một tỉnh hay một địa phận hành chính tương ứng (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…), hay một hòn đảo (Phú Quốc, Bali, Hawai…), tới một thành phố, thị trấn, làng hay một trung tâm độc lập có sức hút mãnh liệt (công viên quốc gia, Disneyland, Sentosa, Sơn Đoòng…).

Có nhiều cách hiểu khác nhau về thương hiệu điểm đến. Trong bài viết này chúng tôi tiếp cận ở góc độ “thương hiệu điểm đến là sự nhận dạng cạnh tranh của điểm đến”, thể hiện những nét cơ bản và những đặc tính vĩnh viễn của điểm đến. Một điểm đến có thể thay đổi thể thức và cách nó thể hiện mình ở các phân đoạn thị trường khác nhau nhưng đặc điểm cơ bản của thương hiệu – giống như tính cách con người, về bản chất thì không thay đổi.

Vậy thương hiệu của Sơn Đoòng là gì? Là hang động lớn nhất thế giới, là nơi được các nhà khoa học của tạp chí National Geographic vinh danh là“không có ở bất cứ đâu trên hành tinh này”hay là nơi có tuyến cáp treo dài nhất thế giới đưa du khách đến hang động? Là loại hình tour khám phá, thám hiểm đẳng cấp thế giới hay tour đại trà 1.000 lượt khách/giờ (như thông tin chính thức tại buổi họp báo công bố dự án)? Việc xây dựng cáp treo có khiến Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha Kẻ Bàng tự đưa mình vào danh sách khuyến cáo rút bỏ danh hiệu di sản với tiêu chí địa chất địa mạo đã được công nhận năm 2003, nhất là khi hồ sơ đệ trình xin danh hiệu lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học đã bị từ chối hai năm trước đây và sẽ tiếp tục được UNESCO bàn thảo vào tháng 6/2015.Và liệu việc khai thác vượt quy mô sức chứa của Sơn Đoòng có thể nhanh chóng đưa điểm đến tới giai đoạn suy thoái trong vòng đời điểm đến?

Theo UNWTO (2007), các thành phần cơ bản của một điểm đến du lịch bao gồm các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đảm bảo sự thỏa mãn các nhu cầu của du khách, đó là:

  • Những hấp dẫn về tài nguyên du lịch (tự nhiên, văn hóa, nhân tạo…)
  • Các dịch vụ công cộng và tiện nghi cá nhân (cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, thông tin du lịch, dịch vụ khác…)
  • Khả năng tiếp cận điểm đến (chính sách xuất nhập cảnh, dịch vụ hàng không, tàu biển, đường sắt…)
  • Nguồn nhân lực du lịch (nguồn nhân lực được đào tạo, sự tham gia của cộng đồng địa phương)
  • Hình ảnh điểm đến (tính độc đáo, các điểm tham quan, phong cảnh, chất lượng môi trường, sự an toàn, mức độ dịch vụ, sự thân thiện của cư dân địa phương)
  • Giá cả (là yếu tố quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh của điểm đến)

Có thể nói sức hấp dẫn về tài nguyên du lịch của Sơn Đoòng là vô giá, là độc nhất vô nhị trên thế giới. Bằng sức lực, công nghệ, tiền bạc, chúng ta có thể tạo nên những công trình vĩ đại tầm cỡ nhất nhì thế giới nhưng những báu vật mẹ Tự Nhiên ban tặng như Sơn Đoòng là kết quả của hàng triệu năm kiến tạo.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Bình, 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh đón gần 2,6 triệu lượt khách, tăng hơn 130% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 36,3 ngàn lượt, tăng 27,5%; khách du lịch lữ hành đạt 650,7 ngàn lượt, tăng 39,8% so cùng kỳ. Loại hình du lịch được chú trọng đầu tư và tạo thương hiệu cho Quảng Bình chính là du lịch hang động. Bên cạnh các tour thám hiểm khám phá Sơn Đoòng đòi hỏi sức khỏe và chi phí cao, còn có những tour ngắn ngày và chi phí thấp hơn trải nghiệm tại Hang Én, Tú Làn và sản phẩm Zipline đu dây khám phá hang động, đu dây tắm sông và quan sát linh trưởng tại tuyến du lịch Sông Chày – Hang Tối. Sản phẩm hấp dẫn là vậy song các yếu tố như các dịch vụ công cộng và tiện nghi cá nhân, khả năng tiếp cận điểm đến, nguồn nhân lực du lịch ở Sơn Đoòng nói riêng, Quảng Bình nói chung, đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch?

Theo thông tin chính thức trên trang web quangbinh.gov.vn, Quảng Bình chỉ có 1 khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, hơn 20 khách sạn 1-2 sao còn lại là các khách sạn chưa xếp hạng. Vào thời điểm đông khách, giá phòng tại Quảng Bình có thể tăng gấp 4 – 5 lần, vậy điều gì sẽ xảy ra khi cáp treo được xây dựng và đưa hàng ngàn lượt du khách đến Sơn Đoòng mỗi ngày? Cáp treo sẽ kéo theo bao nhiêu công trình xây dựng nữa và có thể gây tổn hại như thế nào đến Sơn Đoòng nói riêng và VQG Phong Nha Kẻ Bàng nói chung, khi mà đây chính là vùng lõi của di sản. Nguồn nhân lực du lịch của Quảng Bình cũng không thể đáp ứng sự tăng vọt của du khách. Trong khi đó, với mô hình khai thác bền vững như hiện nay, việc triển khai các loại hình lưu trú home stay, cắm trại là hoàn toàn phù hợp với quy mô cũng như định hướng phát triển du lịch cộng đồng.

Xem ra việc xây dựng cáp treo hướng tới việc tăng khả năng tiếp cận điểm đến. Song với mật độ khai thác trung bình hiện nay là 4 đoàn/tháng, 8-12 khách/ đoàn và chỉ khai thác từ tháng 2 đến tháng 8 (do những tháng còn lại mưa lũ nguy hiểm), thì tối đa một năm Sơn Đoòng tiếp nhận khoảng 230 khách và 700 người hỗ trợ. Số lượng này đột ngột tăng vọt đến mức kinh khủng với công suất cáp treo dự kiến là 1.000 người/giờ thì điều gì sẽ xảy đến? Tác động của mồ hôi, hơi thở, thân nhiệt, tiếng ồn, rác thải… sẽ được xử lý như thế nào? Chưa tính đến, hệ sinh thái của một số khu vực của Sơn Đoòng được các nhà khoa học đánh giá là hệ sinh thái mù trong điều kiện không ánh sáng, việc mang ánh sáng công suất cao vào hang sẽ dẫn đến sự biến mất và tổn thương nghiêm trọng. Hơn nữa, theo như tính toán, điểm kết thúc của cáp treo sẽ cách cửa sau Sơn Đoòng khoảng 300m, mà mọi giá trị hấp dẫn về địa chất về địa mạo lại nằm trong hành trình gần 9km khám phá lòng hang. Vậy cáp treo có thực sự giúp du khách tiếp cận giá trị hấp dẫn nhất của Sơn Đoòng?

Về hình ảnh điểm đến, có thể nói không nhiều điểm đến ở Việt Nam có được hình ảnh hấp dẫn tự thân như Sơn Đoòng. Nhờ Sơn Đoòng mà Quảng Bình đạt vị trí thứ 8 trong số 52 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh năm 2014 do tạp chí New York Times xếp hạng. Rất nhiều báo chí trong nuớc và quốc tếtrong đó có thể kể đến những tạp chí danh tiếng như Huffington Post, National Geographic, Foxnews, The Mirror, the Guardian và nhiều tờ báo khác đã phối hợp truyền thông đưa Sơn Đòong trở thành tour du lịch đẳng cấp thế giới. Bức ảnh ngọc hang động đã được hãng Yahoo đưa lên trang tìm kiếm Bing của mình để phổ biến vẻ đẹp của Sơn Đoòng ở mức độ toàn cầu. Nhưng việc chuẩn bị khởi công dự án cáp treo đã, đang và sẽ làm tổn hại hình ảnh tự nhiên của Sơn Đoòng trong đánh giá của du khách, đặc biệt là những du khách yêu thiên nhiên – phân đoạn thị trường mục tiêu của loại hình du lịch hang động và sinh thái của Sơn Đoòng nói riêng, Phong Nha Kẻ Bàng nói chung.

Ảnh web 1

Về giá, xem ra mức giá 3.000$ (hơn 63 triệu đồng) cho một tour 5 ngày 4 đêm khám phá Sơn Đoòng thực sự là một mức giá khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, thực tế là mức giá này đã bao gồm một khoản phí rất lớn trả cho VQG (660$) và chi phí cho phương tiện, thiết bị và nhân lực hỗ trợ du khách. Trung bình một đoàn 10 khách cần đến 30 người phục vụ cho đoàn(2 chuyên gia hang động từ Anh Quốc, 1 hướng dẫn viên, 2 trợ lý an toàn, 2 đầu bếp, 1 truởng nhóm porter, 2 kiểm lâm giám sát, và 20 porter mang 600kg thiết bị an toàn, cắm trại). Hơn nữa, không phải mọi du khách đều đạt điều kiện sức khỏe để thực hiện tour này. Trong năm 2014, đã có 5 du khách nước ngoài buộc phải quay trở về và không được hoàn lại tiền do kê khai thiếu chính xác bảng cam kết sức khỏe. Bên cạnh tour khám phá Sơn Đoòng, du khách có thể lựa chọn nhiều sản phẩm ngắn ngày hơn và chi phí thấp hơn như thám hiểm Tú Làn từ 1 đến 4 ngày với cấp độ cao dần hoặc thám hiểm Hang Én 2 ngày. Chính tour Sơn Đoòng trong tương lai cũng có thể được đa dạng hóa với nhiều sản phẩm hơn. Vậy thì việc xây dựng cáp treo, hướng tới số đông tưởng chừng như sẽ tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận di sản hơn nhưng bài toán “vượt qua chính mình” trong suốt đoạn đường khám phá lòng hang sẽ được giải quyết như thế nào?

Mỗi điểm đến du lịch có một chu kỳ sống riêng, bắt nguồn từ mức độ khám phá, trải qua các chu trình phát triển, ổn định và ngừng trệ, cuối cùng là đi đến suy thoái. Số lượng du khách tăng dần theo thời gian và nhờ vào những chiến lược quy hoạch, quản lý và xúc tiến phù hợp mà điểm đến có thể phát triển và ổn định hoặc được làm mới, hồi phục, trở thành một điểm đến mới hấp dẫn.

 

Các giai đoạn phát triển của điểm đến du lịch (theo Miller& Gallucci, 2004)

Hiện với Sơn Đoòng, điểm đến mới đang ở giai đoạn đầu tiên là “tham gia” và bước vào giai đoạn “phát triển”. Nếu phát triển quá ngưỡng của sức chứa có thể đặt di sản bên bờ vực thẳm và nhanh chóng chạm tới giai đoạn “ngừng trệ” và “suy giảm”. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cần đến một mô hình quản lý điểm đến hiệu quả có thể khiến mức chi tiêu du lịch tăng, thu hút du khách, tăng sự thoả mãn cũng như khả năng trải nghiệm, mang lại lợi nhuận đồng thời gia tăng phúc lợi cho dân cư ở điểm đến và bảo tồn nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai.

Ảnh web 2

Cũng tại thời điểm nóng bỏng này khi mà hình ảnh “bảo vệ Sơn Đoòng”, “Sơn Đoòng không cáp treo” liên tục xuất hiện trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội thì dự án thương hiệu điểm đến “Nụ cười Hạ Long” cũng được khởi động bởi đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Liệu dự án cáp treo có giúp di sản chạm đến trái tim du khách? Hay chúng ta phải học cách sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và bền vững để Sơn Đoòng cũng như Hạ Long mãi là viên ngọc quý lấp lánh, tạo dựng thương hiệu không thể thay thế của du lịch Việt Nam.   

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Du lịch, Quốc hội, 2005
  2. Miller, M.L. and V.F. Gallucci (2004), Quantitative Tourism and Fishery Management: Some Applications of the Logistic Model. submitted to Tourism in Marine Environments.
  3. UNWTO (2007). A Practical Guide to Tourism Destination Management,

Tác giả

Nguyễn Thu Thủy

Bình luận